Con đường xuyên… ba thế kỷ


Ngày cập nhật: 28/07/2021 3:46:53 CH

Hơn ba mươi năm trước, khi Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên chủ trương tập hợp lại tư liệu, hồi ức từ những cán bộ lão thành đã từng mở đường, công tác, chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Tập sách “Đường mòn Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên” đã có những hồi ức sinh động.

 

Dấu tích con đường buổi ban đầu này là những điểm vượt trên Quốc lộ 9. Những chiến sĩ gùi hàng sẽ tìm cách chui qua những gầm cầu này để tránh sự bố phòng của địch trên Quốc lộ 9 -Ảnh: L.Đ.D

 

Từ hành trình của vua Hàm Nghi đến ca khúc “Đường rừng”

 

Nhạc sĩ Trần Hoàn khi ấy đã góp vào tập sách một bài hát của ông sáng tác từ năm 1948: “Trèo đèo Ba Rền, băng qua Nhã Nam, cho tôi nhắn đôi lời gửi về biên khu. Ai đi vô trong Nam, ai đi ra Việt Bắc, trường kỳ kháng chiến vững niềm tin..” đó là lời bài hát “Đường rừng” của nhạc sĩ Trần Hoàn viết về con đường xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp vào năm 1948, như sau này ông kể lại: “ Năm 1948, khi tôi vượt Ba Rền, Liên U để vào chiến khu Trị Thiên, tôi đã sáng tác bài “Đường rừng”. Bài hát này nhanh chóng phổ biến ở khu Bốn và khu Năm. Ngày ấy tôi mới hai mươi tuổi, lứa tuổi đang hăm hở sung sức coi thường mọi vất vả, hiểm nguy.” ( Trần Hoàn- Kỷ niệm về con đường mang tên Bác- 1992).

 

Nhưng lịch sử luôn là sự tiếp nối và không có gì ngẫu nhiên. Chính vì thế khi chúng tôi nghĩ rằng lịch sử tuyến đường này phải tính bằng hành trình xuyên ba thế kỷ: Bởi từ thế kỷ thứ 19, vua Hàm Nghi trong những ngày rời kinh đô thất thủ, xa giá ra Tân Sở (Quảng Trị) để lập căn cứ kháng chiến, rồi từ vùng Cùa -Tân Sở, nhà vua cùng tùy tùng đã xuyên dọc Tây Trường Sơn ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh. Từ dặm dài bôn tẩu của vua Hàm Nghi rồi tới cuộc kháng chiến chống Pháp, những lối mòn trong chập chùng rừng núi đã khởi đầu cho sự kỳ vĩ của một tuyến đường chằng chịt hàng vạn kilômét về sau. Và sẽ rất khó hình dung rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ sẽ giành thắng lợi nếu không có con đường Trường Sơn huyền thoại này!

 

Dấu tích thời gian

 

Với một quá khứ lịch sử sâu dày như thế nhưng phải đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường này mới thực sự là “đường Hồ Chí Minh sáng đến mai sau”. Giờ đây đi trên con đường trải nhựa xuyên dọc phía Tây Tổ quốc, thật khó để hình dung về dấu tích của con đường vận tải buổi ban đầu. Những con đường mới mở chồng lên nền đường cũ. Từ Đông Hà lên Lao Bảo theo Quốc lộ 9, quãng đường từ Km 41 đến Km 47 của Đường 9 có thể thấy dọc các cây cầu nhỏ bắc qua các khe suối luôn có thêm một tấm biển đề:“Di tích lịch sử-điểm vượt đường 9 của đường mòn Hồ Chí Minh ”. Có rất nhiều điểm vượt như thế, bởi muốn đưa hàng vào Tây Thừa Thiên, vào Khu V chỉ có cách phải vượt qua Đường 9, phải bằng mọi giá đi xuyên qua phòng tuyến được bố trí vô cùng cẩn mật. Những điểm vượt Đường 9 ấy, giờ đây lại là những gì còn lại của con đường ngày xưa. Khe suối lặng lẽ dưới chân những chiếc cầu trên Đường 9 đã góp phần đưa đoàn quân bí mật vượt qua những nút thắt hiểm nghèo trên hành trình vận tải buổi ban đầu.

 

Thiếu tướng Võ Bẩm, thời điểm năm 1959 là thượng tá, Cục trưởng Cục Nông trường quân đội đã nhớ lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ trong hồi ký “Mở đường Trường Sơn”: “Hôm ấy, đúng ngày sinh nhật Bác, 19/5/1959. Tôi đang đi dọc phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội thấy rợp cờ biểu ngữ và tiếng hát ca ngợi Bác. Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng Quân ủy Trung ương sang ngay gặp Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất kiêm thường trực Ủy ban Quân ủy Trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh. Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: Việc này không phải do Quân ủy giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí. Tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo những điều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15. Tôi vội vàng mở cặp lấy sổ tay để ghi chép chỉ thị nhưng anh Vịnh xua tay và nói tiếp: “Cố nhập tâm, không được ghi chép. Tôi nhắc luôn điều này: Từ nay tất cả các công việc của đồng chí không được ghi chép…”

 

Những người mở đường đầu tiên -Ảnh: T.L

 

Câu chuyện của tuyến đường 559, một huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5 như thế. Ông Võ Bẩm, bấy giờ là Trưởng ban tác chiến của Liên khu V, từng nhiều lần tổ chức những chuyến hàng vượt biển cũng như xuyên rừng trong kháng Pháp vì thế ông thông thuộc cả đường biển lẫn đường núi. Tập kết năm 1954 ra Bắc ông được giao chức Phó Cục trưởng rồi Cục trưởng Cục Nông trường Quân đội- đơn vị có nhiệm vụ sử dụng phần lớn cán bộ miền Nam tập kết để xây dựng các nông trường ở miền Bắc. Cũng chính nhờ đảm nhiệm vị trí này mà ngay sau khi được giao tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” ông đích thân xuống các nông trường mà mình từng phụ trách để tuyển chọn những người có năng lực thực hiện nhiệm vụ này, mà trước hết đó là những anh em thông thạo địa bàn vùng núi Liên khu V và trên tất cả là tinh thần xả thân, tuyệt đối trung thành, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Sư đoàn 305, vốn là sư đoàn quân đội của Khu V đóng quân tại Phú Thọ đã được tuyển chọn ra 447 người để thành lập tiểu đoàn đầu tiên phục vụ kế hoạch vận tải cho chiến trường miền Nam bằng cách xuyên rừng Trường Sơn lấy tên là Tiểu đoàn 301. Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn 301 là đồng chí Nguyễn Danh sau này nhớ lại trong hồi ký “Những năm tháng đầu tiên”: Cuối tháng 5-1959 đơn vị lên tàu ở ga Tiên Kiên, một ga nhỏ trên tuyến đường Hà Nội-Lào Cai. Không có ai tiễn đưa, cảnh ra đi đơn giản như một cuộc chuyển quân bình thường về hậu phương. Về Hà Nội, cũng không ra phố, chỉ đứng lại ở ga Hàng Cỏ mấy tiếng đợi tàu rồi đi luôn vào Thanh Hóa. Từ Thanh Hóa trở vào phải đi xe ô tô, đến Đồng Hới dừng lại một đêm ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325. Sáng sớm hôm sau đi thẳng vào Khe Hó, một khu rừng đại ngàn ở Tây Vĩnh Linh.

 

Từ đôi bờ thượng nguồn Bến Hải

 

Khe Hó-nơi đầu tiên khởi phát cho tuyến vận tải chi viện chiến trường miền Nam, từ cánh rừng trên đất Quảng Trị nằm ở bờ Bắc thượng nguồn sông Bến Hải, những đội quân gùi thồ đầu tiên “đi không dấu- nấu không khói- nói không tiếng” để rồi chỉ hơn 5 năm sau, hàng chục cung đường vận tải mới với hàng sư đoàn xe cơ giới vận tải ngang dọc xuyên hai cánh Đông và Tây Trường Sơn. Từ một binh trạm hẻo lánh heo hút của ngày mở đầu bên bờ Bắc và hơn mười năm sau vào cuối cuộc chiến, Bộ chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn đã dựng chỉ huy sở ngay bờ Nam thượng nguồn con sông giới tuyến này: khu vực Bến Tắt .

 

Có một câu hát rất hay về đường Trường Sơn: “Trên đường ta qua không một dấu chân người”- khởi đầu của con đường, những người lính đầu tiên của “đường dây 559” đã luồn sâu vào miền Nam với những quân tư trang, vật dụng sinh hoạt vô cùng đặc biệt. Mặc bà ba đen, che mưa bằng tấm nilon, những chiếc đèn pin được đem gò lại, làm cho mất hai chữ Rạng Đông và dấu hiệu mặt trời mọc. Thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo phải cắt bỏ đầu có in chữ trên điếu thuốc rồi bọc vào túi nilon. Những người lính ấy phải bỏ lại tất cả giấy tờ, thư từ, không được ghi chép bất cứ thứ gì. Và từ Tiểu đoàn 301 ấy, nhận nhiệm vụ giả làm các đội khai khẩn lâm trường, bí mật nhận hàng từ hậu phương miền Bắc chuyển vào rồi vận chuyển theo phương thức thô sơ nhất gùi cõng trên vai và đi bộ. Mỗi chuyến đi gồm 25-30 người với 25-30 cái gùi. Từ Khe Hó, hàng được trung chuyển qua 9 binh trạm. Những trạm ở Bắc sông là đất của miền Bắc, có thể gùi hàng vào ban ngày, còn các trạm phía Nam sông chỉ có thể gùi ban đêm. Lấy khúc gỗ mục có lân tinh phát sáng gắn lên gùi người đi trước. Người đi sau nhìn vệt sáng ấy mà bám theo. Những tấm bảng sơn xanh kẻ chữ màu trắng nhưng thật ra trên những điểm vượt ấy, những người lính đoàn 559 đã viết lịch sử của con đường bằng màu đỏ của máu. Không biết có ai nhìn tấm biển di tích bên cây cầu nhỏ bé ấy mà nhớ đến hàng ngàn đêm với hàng trăm người im lặng gùi cõng vũ khí, đạn dược trên đôi vai trần chi viện cho miền Nam? Có nhớ bao nhiêu tuổi thanh xuân đã ngã xuống khi gặp địch, ngã xuống vì cọp vồ, vì sốt rét.

 

Và hôm nay, trên con đường xuyên dọc Trường Sơn ấy đã góp phần thay đổi cuộc sống hàng triệu người dân miền Tây, những người dân thủy chung son sắt đã hy sinh rất nhiều cho đất nước buổi gian nan, giờ đây họ xứng đáng được tri ân và đền đáp.

 

Theo baoquangtri.vn, link nguồn: http://baoquangtri.vn/Xa-hoi/modid/420/ItemID/159400?title=Con-duong-xuyen%E2%80%A6-ba-the-ky

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ