Vinh Quang Thượng, đồng vọng xưa và nay


Ngày cập nhật: 01/06/2020 10:32:23 SA

Làng Vinh Quang Thượng, thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Làng hiện có hai xóm, xóm Đông nằm dọc theo tuyến đường Xuyên Á từ Ngã tư Sòng xuôi về Cửa Việt. Xóm Đồi nằm dọc theo đường 17, từ Khu công nghiệp Đông của huyện Gio Linh đi về làng Mai Xá. Vinh Quang Thượng là một làng quê thuần nông. Về với miền quê lúa hôm nay chúng ta sẽ thấy trong sự tươi mới của một hương thôn là bóng hình cổ kính của ngàn xưa, rêu phong, trầm mặc.

 

Đình làng Vinh Quang Thượng. Ảnh: Việt Hà

 

Tham khảo qua các cổ sử như Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục và Đồng Khánh dư địa chí được biết làng Vinh Quang Thượng thành lập từ rất sớm, là một trong 115 làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Trong cuốn Ô Châu cận lục viết vào năm 1555, khi viết về châu Minh Linh đã có nêu tên của hai làng Vinh Quang Thượng và Vinh Quang Hạ, là hai làng có tên nằm cận kề nhau xưa nay của xã Gio Quang, huyện Gio Linh.

 

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, Vinh Quang Thượng đã trải qua một số lần đổi tên khác nhau. Từ khi sáng lập hương hiệu cho đến trước năm 1776, Vinh Quang Thượng đổi tên thành Vinh Hoa Thượng, thuộc tổng An Xá, huyện Minh Linh. Đến khoảng 1886 lại đổi tên thành Vinh Quang Thượng cho đến ngày nay.

 

Qua hơn 500 năm tạo dựng hưng nghiệp, người dân Vinh Quang Thượng đã chung lưng đấu cật, xây dựng hương thôn ngày càng phát triển. Như hai câu đối tại đình làng “Quang Thượng vĩnh tuy tư cảnh phúc/Xuân thu bất cải cổ duy phong”, với ý nghĩa mong mỏi làng Vinh Quang Thượng trường tồn với thời gian, phúc đức đồi dào đến với con em trong làng. Phía trước đình làng Vinh Quang Thượng có một vùng nước tên là bàu Trén, cái bàu này gắn liền với một câu chuyện xưa. Theo gia phả của họ Nguyễn trong làng, thì dòng họ có bà Thị Nhạn con ông Nguyễn Văn Vạc ( gọi là ông Hội Vạc), là vợ vua Minh Mạng được phong hiệu là Cung Nhân.

 

Ngày xưa vua Minh Mạng lệnh cho quan lại địa phương sức dân đào một con sông từ sông lớn rẽ nhánh về làng, nhằm để thuyền bè ngược xuôi giao thương đi lại thuận tiện. Giai thoại rằng khi đào đến đây, tự nhiên nước mạch phun đỏ lên như huyết, các thầy địa lý bảo rằng đã phạm đến long mạch của làng nên vua cho dừng. Một trong di tích xưa còn lại trên mảnh đất này đó là mốc mụ Vạn. Mới chợt nhìn thì ai cũng nghĩ đó là một tảng đá bình thường. Tuy nhiên tảng đá này gắn liền với câu chuyện phân chia đất đai, địa bộ, mốc giới địa phận làng mạc ngày. Qua lời kể của các bậc trưởng thượng thì xưa kia Vinh Quang Thượng và làng lân cận tranh chấp đất đai, có một người đàn bà trong làng sức khỏe nam nhi không địch lại đã chấp nhận thách đố. Bà vác tảng đá khoảng hai tạ này đi xa hàng trăm mét, đến đây thì đặt xuống và trở thành cái mốc giới cho hai làng. Vì là nơi chốn tâm linh nên nhiều người đến hương khói thờ phụng…

 

Vinh Quang Thượng hôm nay đang bắt tay vào xây dựng một nông thôn mới với bao giấc mơ đẹp. Đây luôn được xem là ngọn cờ đầu của huyện Gio Linh về phát triển nông nghiệp. Các cánh đồng rộng lớn sau dồn điền đổi thửa rất thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Vào trong làng thấy hình như nhà nào cũng có một loại máy móc cơ giới dùng trong nông nghiệp. Với sản lượng lúa chất lượng lúa hằng năm, Vinh Quang Thượng xứng đáng được coi là vựa thóc của huyện Gio Linh. Hiện Vinh Quang Thượng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của nông thôn mới kiểu mẫu bước 1, phấn đấu cuối năm 2020 sẽ đạt chuẩn theo yêu cầu.

 

Về với Vinh Quang Thượng hôm nay, được nghe những câu chuyện buồn vui hoài cổ, được thấy những di tích rêu phong, trầm mặc bóng thời gian hằn in trên tình đất tình người, chợt cảm ngộ sự đồng vọng âm linh xưa vọng về nơi đầu gành cuối bãi. Vinh Quang Thượng, miền quê một lần đến, không thể nào vội quên.

 

(Theo baoquangtri.vn, link nguồn: http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/148724)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ