Qua miền Trúc Khê


Ngày cập nhật: 15/05/2020 2:00:08 CH

Cùng đồng hành với lịch sử của dân tộc, Trúc Khê ôm trong mình bao nhiêu câu chuyện xưa và nay, cứ nối nhau một cách bình thản, như dòng nước mãi miết chảy qua làng, về xuôi. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ cho người Trúc Khê tạo nên những dấu ấn lịch sử -văn hóa, xưa và nay…

 

Nghi thức tế tự tại đình làng Trúc Khê. Ảnh: N.V.H

 

Từ niềm mong mỏi của tiền nhân

 

Các bậc trưởng thượng trong làng kể lại rằng, xưa kia vùng đất này bạt ngàn cây trúc, trúc mọc nhiều nhất ở hai bên đại thủy khê chảy qua làng… Các bậc tiền nhân của làng đã lấy chữ Trúc- nghĩa là cây trúc và chữ Khê- có nghĩa là khe, suối ở trong chữ Hán để ghép thành tên làng Trúc Khê. Ý muốn rằng con người Trúc Khê có tính thẳng ngay, quân tử như cây trúc những cũng dịu dàng, kín đáo như dòng sông…

 

Cụ ông Hoàng Quảng, trưởng làng Trúc Khê trong cuộc nói chuyện cho chúng tôi hay rằng, theo một số gia phả của các dòng họ ghi lại, cách đây hàng trăm năm, theo Chiếu di dân của vua Lý Thái Tông, người Việt từ các vùng miền Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An đã vào vùng đất mới, định cư xây dựng sự nghiệp lâu dài cho con cháu. Trong đoàn người Nam tiến đó có các bậc tiền nhân của làng đến đây, thấy đất đai màu mỡ nên đã dừng chân để khai hoang lập làng.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng được biết trong cuốn Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An soạn tác vào năm 1555 thì Trúc Khê có tên trong 59 làng cổ của huyện Võ Xương. Sang thế kỷ 18, Trúc Khê là một trong 22 xã phường của tổng An Lạc, huyện Đăng Xương. Đến thế kỷ thứ 19, Trúc Khê cùng các làng lân cận như Kim Đâu, Trúc Kinh thuộc tổng An Lạc, huyện Thanh Hóa. Hiện nay, Trúc Khê là một trong 11 làng của xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Như vậy, các cổ sử trên đã xác lập rằng Trúc Khê là một trong những làng cổ đầu tiên hình thành trên đất Quảng Trị.

 

Đồng hành với nhiều biến cố của lịch sử dân tộc, dù tách nhập vào các đơn vị hành chính khác nhau, tuy nhiên tên làng Trúc Khê không thay đổi, vẫn trường tồn như thuở tiền nhân khai sáng hương hiệu cho đến ngày hôm nay. Hai ngài tiền khai khẩn đã được các vua triều đình nhà Nguyễn sắc phong là Dực Bảo Trung thần và Đoan Túc Tôn thần. Hiện nay các sắc phong đang được lưu giữ tại làng. Việc bảo toàn được các sắc phong qua cả trăm năm vật đổi sao dời, binh đao khói lửa là cả một câu chuyện dài trân quý đối với người dân làng Trúc Khê, theo như lời tâm sự đầy tự hào của cụ ông Hoàng Giáo, một bô lão trong làng.

 

Tâm linh và hiện thực

 

Trong đời sống tâm linh của người Việt thì đình làng luôn được coi như là trái tim của làng. Có một điều khác lạ ở Trúc Khê là trong khi các làng lân cận xây dựng ngôi đình có mái che, thì đình Trúc Khê có kiến trúc theo kiểu đình trần. Tuy không gác cao, dãy dài, nhiều gian nhiều mái như các đình làng khác, tuy nhiên đình làng Trúc Khê vẫn toát lên vẻ uy nghiêm, cổ kính với đầy đủ hệ thống tâm linh như: Miếu vũ, liễn đối, bàn thờ… Trước đình có cổng tam quan xây theo lối cổng Dinh xưa, trên từng cột trụ là các câu đối với những ý nghĩa sâu xa nhằm cầu phúc cho làng cũng như răn dạy con cháu đời sau. Ở hai bên đình là miếu thờ của các ngài khai khẩn ra làng Trúc Khê.

 

Hiện ở đình này, hằng năm làng trang trọng tổ chức các lễ hội lớn. Vào tháng 6 âm lịch có lễ Cầu an Đại tự nhằm cầu mưa thuận gió hòa, an lạc đến với con em trong làng. Ngày mồng 1 tháng 2 tổ chức ngày kỵ của hai ngài Tiền khai khẩn. Ngày 27/12 thì tổ chức lễ Đông chí và lễ xuống đồng.

 

Chúng tôi đến Trúc Khê vào đúng dịp làng tổ chức Lễ xuống đồng. Lễ được tổ chức nhiều nghi thức cổ truyền với sự tham gia của Ban điều hành thôn và các chức sắc của làng. Sau các nghi lễ gồm lễ cáo giang sơn, lễ cúng tổ thần nông thì ông trưởng làng ra khoảnh ruộng trước mặt đình để tiến hành nghi thức xuống đồng trong không khí hồ hởi của những người tham gia. Được biết lễ xuống đồng duy trì từ xưa cho đến ngày nay. Việc gìn giữ hoạt động truyền thống mang tính nhân văn, thể hiện chính sách khuyến nông độc đáo, đề cao lao động sản xuất nông nghiệp và tâm linh của một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, thiết nghĩ cần phát huy cho dù trong đời sống đương đại có nhiều đổi thay.

 

Qua những năm tháng khó khăn, hôm nay làng Trúc Khê vươn mình lớn mạnh. Với bản chất cần cù, chịu thương chịu khó và đức tính không chịu đói nghèo, người dân Trúc Khê đồng lòng đồng sức cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đi trên các con đường bê tông rộng rãi, chúng ta sẽ bắt gặp màu xanh cây trái tươi sắc thắm, được những bàn tay tảo tần của người dân nơi đây vun tưới. Một nông thôn mới với bao khát vọng dần hiện hữu nơi đây.

 

Anh Hoàng Tuấn, trưởng thôn Trúc Khê cho chúng tôi biết hiện nay Trúc Khê có khoảng 300 hộ dân với trên 600 nhân khẩu. Bên cạnh việc phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ thì việc đầu tư cho nông nghiệp, trồng rừng luôn được chú trọng. Hằng năm, các trang trại chăn nuôi- trồng trọt tổng hợp cho thu nhập cao với 200 triệu đồng. Đời sống của người dân Trúc Khê thay đổi rõ rệt, có nhiều hộ dân từ khó khăn đã vươn lên khá giả từ kinh doanh dịch vụ và phát triển nông nghiệp.

 

Có câu rằng, con người ta có nhiều chốn để tới nhưng một nơi đau đáu quay về, ấy là quê hương. Mỗi làng quê nước Việt thân yêu, qua hàng trăm năm dựng xây và phát triển luôn là sự trỗi dậy không ngừng nghỉ của những bàn tay cố kết cộng đồng. Với làng Trúc Khê thì sợi chỉ hồng thắm thiết đó đã được các thế hệ nâng niu, nối dài mãi từ xưa cho đến mai sau.

(Theo baoquangtri.vn, link nguồn: http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/148041)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ