Làng Tùng Luật


Ngày cập nhật: 24/02/2020 10:33:43 SA

 Dọc theo dòng sông Bến Hải, từ cầu Hiền Lương xuôi về biển Cửa Tùng, cách biển 2 km về phía Tây có một ngôi làng xanh mượt mà, trù phú ven sông. Thế đất của làng thoai thoải tựa như mai một con rùa, lưng tựa vào đồi đất đỏ ba dan, mặt nhìn ra dòng sông Bến Hải quanh co uốn lượn đổ ra biển Cửa Tùng trong thật nên thơ và kì vĩ. Ngôi làng ấy có tên gọi là làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh.

 

Lễ hội chèo cạn, cầu ngư ở làng Tùng Luật. Ảnh: X.O

 

Làng Tùng Luật xưa còn có tên gọi Tòng Luật. Tòng có nghĩa là phục tòng, nghe theo; luật là pháp luật, phép tắc. Theo cách giải thích này thì Tùng Luật xưa sống có quy củ, nền nếp, tuân thủ phép nước, luật lệ dân gian có cách gọi tắt là làng Tùng.

 

Ngôi làng ấy nằm bên bờ sông giới tuyến. Nơi đây (cùng với quân và dân Vĩnh Linh anh hùng) được coi là trọng trấn, là phên dậu, là ranh giới của những cuộc chia cắt phân li, là tiêu điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống xâm lăng, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Nếu ai đó đến với Tùng Luật sau năm 1972 gần như đến với “vành đai trắng”. Đình chùa, miếu vũ, chợ búa, nhà cửa làng mạc xưa, nghĩa là tất cả các thiết chế văn hóa cha ông để lại đã bị giặc Pháp trước đây đốt phá sạch, rồi bom đạn của đế quốc Mỹ cày xới nát tan, làng chỉ còn một màu đất đỏ tươi với chi chít những hố bom, hố pháo. Mọi tài liệu lịch sử của làng không còn lưu giữ được, “mười hai sanh họ” không họ nào còn lưu giữ được gia phả…

 

Bao đời nay, chúng ta chỉ biết Tùng Luật là một trong 65 làng cổ hình thành đầu tiên ở Đạo Quảng Trị, phủ Minh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh và Gio Linh). Bắt đầu từ chiến dịch chinh phạt của quốc gia Đại Việt do vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt cầm quân đánh vào Vijaya (Chà Bàn), bắt được vua Chăm là Chế Củ vào năm 1069, để bảo toàn mạng sống, Chế Củ đã giao vùng đất rộng lớn gồm 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt. Từ đây, một phần đất Quảng Trị là châu Ma Linh thuộc về người Việt. Để hợp thức hóa lãnh thổ, năm 1075, nhà Lý đã cho đổi châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh (bao gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần đất của thành phố Đông Hà (phía Bắc sông Hiếu), Cam Lộ ngày nay, đặt quan cai trị, chiêu mộ nhân dân đến khai khẩn, lập thành làng mạc, xây dựng cuộc sống. Năm 1307, tên các làng xã cũng xuất hiện từ buổi tạo lập đó. 65 ngôi làng cổ thuộc tỉnh Quảng Trị, trong đó làng Tùng Luật được xác định là địa bàn hành chính thuộc châu Minh Linh có gốc tích từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh. Theo danh sách các làng cổ ở Quảng Trị thì làng Tùng Luật đứng thứ 6, từ đó có thể suy đoán làng Tùng Luật hình thành khoảng từ năm 1405-1555, tính đến nay khoảng trên 600 năm.

 

Theo một số nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử và những người lão làng trước đây cho rằng Ngài tiền khai khẩn của làng Tùng Luật họ Hoàng (quý công) và ngài hậu khai canh họ Lê (quý công). “Cai cơ Quảng Độ hầu Hoàng quý công, Đề lãnh Đông Hà hầu Lê quý công”… thì chức của ngài khai khẩn là Cai cơ, tước hầu và ngài khai canh chức danh là đề lãnh tước hầu. Ngoài hai dòng họ khai khẩn, khai canh, làng còn những dòng họ khác quần cư như họ Hồ, Nguyễn, Phan, Trần, Bùi, Phạm, Mai, Cao, Võ và Lâm. Nhiều dòng họ có người làm quan, con cháu học hành đỗ đạt.

 

Xưa ở làng có câu “mười hai sanh họ”, “mười hai kiệt làng”, Ngài tiền khai khẩn ngoài việc đặt tên còn chọn một thế đất cho làng cư ngụ vô cùng ngoạn mục. Thoai thoải trên mu con rùa đất đỏ ba dan, phía sau làng có rừng cây tên gọi là Rú Tùng, đối mặt là con sông Bến Hải đổ ra biển. Thật là sơn lâm thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Trên mô đất kia được thiết kế ngang dọc vuông vức, thẳng tắp, 12 kiệt làng, nhà ở theo ô bàn cờ, thế đất cũng giống như lòng dạ người dân Tùng Luật là cần cù, chất phác, ngay thẳng và can trường. Tùng Luật trước đây tọa lạc trên một vùng đất rộng lớn, trước năm 1954 vẫn còn nguyên vẹn. Đó là ngôi đình bề thế, hai tầng, nằm cạnh chợ Hôm nhìn ra phía bờ sông. Rằm tháng 6 và 25 tháng Chạp hằng năm, con cháu các vùng tập trung về chạp mộ ngài khai canh và tế lễ ở đình.

 

Nghề nghiệp chính của làng xưa nay là nghề đánh bắt cá và chế biến hải sản như làm mắm, ruốc, cá, mực phơi khô. Ngành nghề phụ gồm nghề mộc, nghề may, nghề xây dựng, làm muối, nuôi cá, trồng lúa, làm vườn, trồng trọt một số loại cây đặc sản của xứ Vĩnh Linh như hồ tiêu, chè, dứa, mít…

 

Làng Tùng Luật là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là cái nôi của những làn điệu dân ca, nghệ thuật tuồng, chèo cạn, bài chòi và những điệu lí sâu lắng, trữ tình lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Người khởi xướng ra gánh hát đầu tiên để khơi thông mạch nguồn dân ca vô tận ở làng Tùng là ông Nguyễn Như Bá (sinh năm 1870). Xuất thân ông làm nghề thầy thuốc, có dịp chu du vào tận Quảng Nam, lục tỉnh Nam Bộ, xem các gánh tuồng Nam biểu diễn. Từ xem đến say, từ say mê đến học hỏi, chỉ vài ba năm sau ông đã nắm bắt được bí quyết nhà nghề của nghệ thuật tuồng. Tuồng và những làn điệu dân ca miền Trung nặng tình ai oán hóa thân vào máu thịt ông và tự ông luyện tập, truyền đạt lại cho con em trong họ, làng. Khoảng năm 1910, ông đứng ra thành lập gánh hát đầu tiên ở Vĩnh Linh. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân hai phủ Vĩnh Linh và Gio Linh lại rước gánh hát ông Bá về diễn, xong lại quẫy bồ ra Quảng Bình, vào kinh đô Huế, đến đâu cũng được nhân dân đón rước trọng vọng. Cùng với gánh hát, Tùng Luật còn có đội chèo cạn nổi tiếng. Đội gồm có Cai Tùy, Cai Tấu, giàn bát âm gồm: Sáo, nhị, nguyệt, kèn sôna và tốp thanh niên gồm 12 người có giọng hát tốt. Họ thật là những người có năng khiếu về đàn ca xướng hát. Ngoài việc phục vụ những ngày lễ hội và tang lễ trong làng cũng như các vùng lân cận, triều đình Huế cũng đã nhiều lần mời họ vào biểu diễn. Với tài nghệ thổi sáo của ông Đổng, triều đình cũng đã phong cho nhạc công này hàm bát phẩm.

 

Năm 1947, Pháp đánh chiếm Vĩnh Linh, gánh hát và đội chèo cạn làng Tùng tạm ngưng hoạt động. Điều đáng lưu ý là từ cái nôi chèo cạn làng Tùng, từ gánh hát ông Bá làng đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, có công lao đóng góp to lớn cho nghệ thuật đàn và hát dân ca như Trần Duyến, nhạc sĩ Võ Đình Hùng; các nghệ sĩ nhân dân: Châu Loan, Lệ Thi, Nguyễn Ái Chủng; các nghệ sĩ ưu tú: Kim Quý, Kim Phú… Họ đều là những người con làng Tùng Luật mà tên tuổi được cả nước biết đến. Ngày nay truyền thống quý báu đó đang được con cháu khôi phục nhằm bảo vệ giá trị của nó trong đời sống người dân. Làng Tùng xưa đẹp như một bức tranh thủy mặc với cây đa, bến nước, thì ngôi đình làng chính là nét chấm phá đặc sắc nhất, nổi bật nhất thể hiện quyền lực của nhân dân. Với hình ảnh cây đa, bến nước, mái ngói, sân đình, nhà thờ Họ Lê, Miếu Bà, Miếu thờ ông Khai khẩn, chợ hôm… tất cả mỗi tấc đất, tấc làng Tùng Luật từ lâu đã khảm sâu vào tâm hồn người Tùng Luật những kỉ niệm không thể nào quên. Những đứa con sinh ra từ làng, cho dù đôi chân có trải qua bao nhiêu miền đất hứa, vẫn luôn đau đáu nhớ về mái đình làng quê, vẫn cùng lũ bạn tha thẩn chơi đùa suốt cả tuổi thơ. Có thể nói, đình làng Tùng Luật xưa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, biểu tượng quyền lực của bộ máy làng, xã xưa đã trở thành biểu tượng cho văn hóa của làng, là kí ức đẹp mãi của những người con từng sinh ra và lớn lên từ nơi đây.

(Link nguồn:http://www.baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/145980)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ