"Cõng sách" vượt qua miền biên giới


Ngày cập nhật: 25/11/2019 2:07:49 CH

Bút ký của Đoàn Phương Nam

Một ngày tháng 9/2018, Lê Minh Tuấn mở mail và vô cùng ngạc nhiên khi người gửi là một nhân vật hoàn toàn xa lạ. Từ ngạc nhiên, bất ngờ đến xúc động bần thần.  Lá thư ấy viết: “Gửi anh: Lê Minh Tuấn - Chủ nhiệm chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị. Em là: Trần Thị Thanh Huyền. Giáo viên Âm nhạc – Trưởng đoàn giáo viên Sở Giáo dục Quảng Trị cử qua giảng dạy Tiếng Việt tại Lào. Trường Tiểu học Thống Nhất nằm ở tỉnh Savannakhet do Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet thành lập. Hội người Việt Nam mong muốn con em Việt Kiều của mình sau này không bị mất gốc và không bị mai một tiếng mẹ đẻ của mình. Với sự hợp tác của 2 tỉnh thì tỉnh Quảng Trị đã đưa giáo viên sang giúp Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet và nhà trường giảng dạy  tiếng Việt. Trường có 10 lớp từ  lớp 1 đến lớp 5, mỗi lớp gồm có khoảng từ 25 đến 30 học sinh. Có giáo viên Lào và giáo viên Việt Nam. Mỗi năm Tổ Tiếng Việt đều tổ chức các ngày lễ như ngày 20.11, ngày sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh 2-9, tổ chức Câu lạc bộ Tiếng Việt... Tất cả học sinh đều là con em Việt Kiều đời thứ 3, thứ 4, thứ 5....

Là một giáo viên tình nguyện sang dạy tiếng Việt cho các em học sinh ở trường Thống Nhất trong 3 năm qua, năm nay là năm cuối em còn được công tác ở đây, em rất mong muốn sẽ giúp cho các em nâng cao được vốn tiếng Việt của mình thông qua đọc các loại sách tiếng Việt trong giờ ra chơi. Các em ở đây rất thích đọc truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam.... Nhưng sách tiếng Việt ở đây thì lại không có chỉ có sách giáo khoa được mua từ Việt mang sang và được photo để học. Tất cả những trang sách đều đen trắng nên việc dạy và học của giáo viên và học sinh gặp nhiều hạn chế. Nhà trường rất mong muốn có một tủ sách về các truyện tranh dân gian, truyện cổ tích Việt Nam, những câu đố hay, những bức tranh về các con vật, các loài hoa, quả, các loại tranh phong cảnh về quê hương đất nước, bảng chữ cái, sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 5,sách giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, chuyện kể đạo đức, lịch sử.... Rất mong nhận được sự giúp đỡ của anh để các em học sinh có được một số sách, các em sẽ có cơ hội trau dồi thêm môn Tiếng Việt thông qua việc đọc sách.

Dưới đây là một số hình ảnh của nhà trường”…

Bức thư đã dâng lên trong lòng Lê Minh Tuấn bao nhiêu xúc cảm và bắt đầu đánh dấu một công việc mới của anh: “Cõng sách” Việt qua biên giới. Tuấn không dám “hứa hẹn” gì nhiều với cô giáo trẻ qua email, chỉ lời đôi nhắn đầy tâm huyết: “Anh sẽ cố gắng hết sức của mình”.

Thế rồi 10 tủ sách đầu tiên đã đến được với Trường Tiểu học Thống Nhất trong niềm vui vỡ òa của cô giáo Thanh Huyền và Hội Việt Kiều. Tiếp nối từ hiệu quả của chuyến đi năm 2018 đó, 16 tủ sách với trên 700 đầu sách đã tặng cho Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào vào tháng 11/2019. Toàn bộ số sách được tặng lần này được sự hỗ trợ chung tay của Tủ sách Nhân Ái và Sách hóa nông thôn Quảng Trị. Sách chủ yếu là: văn học kinh điển, truyện tranh lịch sử Việt Nam, danh lam thắng cảnh Việt Nam, giáo dục giới tính, kỹ năng sống. Trường Tiểu học Thống Nhất đã được đổi tên thành Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào với cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ hơn nhưng nguồn sách tiếng Việt cho học sinh vẫn chưa được phủ đầy. Cô giáo Thanh Huyền tiếp tục xin được gắn bó với công việc dạy tiếng Việt tại trường bởi một tình yêu sâu thẳm mà cô dành cho các em học sinh nơi đây cũng như tình yêu dành cho nước Việt khi cô và các giáo viên nơi đây nhận ra trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và vun bồi hình ảnh của quê hương, xứ sở trong trái tim non nớt của các em nhỏ nơi này.

 Ít tai biết được rằng, chuyến đi đầu tiên đó, Tuấn đã phải chạy đua với thời gian để về gặp ông nội đang hấp hối. Và ngày để tang ông, vì một lịch hẹn làm việc chuẩn bị cho các hoạt động xây dựng tủ sách lớp học ở huyện Triệu Phong, Tuấn đã thầm xin phép ông được vắng mặt vài tiếng đồng hồ. Một năm sau ngày mất của ông, trong chuyến tặng sách lần thứ 2 cho Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào, Tuấn ghi trong nhật ký của mình: “Cách đây một năm, tôi đứng bên dòng Mê Kông nhìn mặt trời lặn xuống. Ráng chiều đỏ au cả bầu trời và nhuộm luôn cả dòng sông Mê Kông cuồn cuộn - một cảnh tượng đẹp mà tôi lần đầu được thấy. Nhưng không hiểu tại sao khung cảnh đẹp đẽ lúc đó lại gợi cho tôi một nỗi buồn da diết khó tả. Mà sau này tôi mới biết là một điềm báo cho tôi: điềm báo ông nội tôi qua đời…Trước ngày ông mất, tôi đang đi làm tủ sách cho trẻ em gốc Việt tại Lào, bố tôi nhắn tin qua Lào là ông mấy hôm nay rất yếu, tôi nén nỗi buồn để hoàn thành công việc, dự kiến sẽ trở về ngay hôm sau, không ngờ là linh tính của tôi không sai: tôi vừa hoàn thành mọi việc thì ông mất! Tôi từ Lào trở về nhưng không kịp để nhìn thấy ông lần cuối”.

***

Sách đến với trẻ em vùng khó khăn như một “Giấc mơ chapi” luôn cháy bỏng trong trái tim chàng trai 9x này. Những năm tháng ở giảng đường đại học, Tuấn được bạn bè cho là "lập dị" khi học Cao đẳng Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh - một trường gần như chẳng liên quan gì đến văn chương nhưng anh lại dành phần lớn thời gian vào thư viện để đọc sách. Ngày ra trường, hành trang “nặng ký” của chàng trai tỉnh nhỏ đem về quê là hơn 800 đầu sách các loại mà anh đã tích cóp tiền bạc để mua trong suốt 4 năm đại học. Chỉ là nhân viên tại Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, song với niềm đam mê sách từ nhỏ, Tuấn đã quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ ấy ngay khi có điều kiện. Từ thư viện online qua nguồn sách bạn bè ủng hộ sách, Tuấn đã sở hữu trong tay 3.000 đầu sách các loại. Nhận thấy một thực tế là dù có điều kiện để tiếp xúc với công nghệ tiên tiến, sách điện tử, online, sách nói… nhưng vẫn còn có rất nhiều người đam mê và dành tình cảm cho sách giấy và sách giấy vẫn rất hữu ích nếu được hiện diện ở các tủ sách lớp học. Do vậy, Tuấn đã nảy sinh ý tưởng xây dựng các tủ sách ở các vùng nông thôn, lớp học, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng để đưa sách đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và ở những nơi có điều kiện sống vô cùng khó khăn.

Khác với mô hình thư viện trường học truyền thống, Lê Minh Tuấn mong muốn xây dựng tủ sách ở từng lớp học, phù hợp từng độ tuổi với một không gian mở và mang tính kế thừa. Đối với tủ sách lớp học của chương trình sách hóa nông thôn, các em sẽ được trang bị sách phù hợp với độ tuổi của mình. Học sinh lớp 1 sẽ được đọc sách với số chữ tương ứng với sự nhận thức và khả năng đọc để lĩnh hội kiến thức ở độ tuổi 6-7. Tương tự như vậy. Với kinh phí dự kiến 1,2 triệu đồng/tủ cho số lượng 40-70 đầu sách hoàn toàn mới, hoàn toàn có thể xây dựng theo hình thức cuốn chiếu để trang bị 100% các lớp học trong trường. Lớp trước ra trường để lại cho lớp sau và mỗi lớp sau có thể bổ sung thêm đầu sách bằng số tiền rất ít. “Chỉ cần mỗi cựu học sinh hoặc mỗi phụ huynh đóng góp 30.000 đồng/năm là có thể xây dựng tủ sách lớp học. Sách hiện diện ngay trước mặt các em, gần gũi, thân thương biết bao nhiêu và qua đó các em cũng trưởng thành biết bao nhiêu”. Thế nhưng, để làm được điều đó không dễ dàng chút nào bởi sự thờ ơ của ngay chính ngôi trường được tiếp nhận sách, của ngành chức năng liên quan trong việc phát huy văn hóa đọc.

Hình như trong quãng đường bén duyên với công việc “xin sách và tặng sách”, chẳng có chút dễ dàng nào đến với Tuấn như mọi người nghĩ như: Được tiếp nhận niềm nở, huy động dễ dàng… Có lần trong một buổi chuyện trò nghỉ ngơi sau chuyến tặng sách đến các em học sinh ở huyện Triệu Phong, Tuấn tâm sự: “Mình nhớ những ngày đầu tiên tham gia chương trình sách hóa nông thôn, mình cùng với một  anh ở Hà Nội cõng sách đến tận trường tặng mà nhà trường lắc đầu từ chối. Lúc đó cõng sách về mà nuốt nước mắt vào trong lòng. Có lúc thấy nản khủng khiếp vì nghĩ rằng: Tại sao còn nhiều trẻ em cần sách hay sách tốt mà lại không được nhiệt tình đón nhận? Sách đem lại bao nhiêu giá trị hữu ích cho con người mà người ta lại thờ ơ?”. Tuấn nhớ lại tuổi thơ của mình luôn khát khao tìm đọc những cuốn sách hay luôn nhưng không có điều kiện. Những giá trị quý báu từ những quyển sách đã đem lại cho Tuấn trong suốt quá trình trưởng thành. Những lúc tư tương giao động ở lằn ranh “làm tiếp” hay “dừng lại”, anh lại nhớ đến lí do đã khiến mình bắt đầu và dấn thân vào con đường cõng sách đến học sinh nghèo, cõng sách đến những miền biên viễn xa xôi, niềm vui đến rơi nước mắt khi nghe báo tin có thêm những tủ sách mới được nhân lên từ tủ sách đầu tiên được gửi tặng.

Lê Minh Tuấn nhớ rành rẽ từng ngôi trường nhỏ heo hút nơi miền núi hay vùng sâu nơi anh và các bạn tận tâm đem từng quyển sách và truyền cảm hứng đọc sách cho các em nhỏ. Tuấn nhớ ánh mắt háo hức trên gương mặt bừng sáng của các em nhỏ khi lật từng trang sách mới trường THCS Trấm, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Đây là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của Triệu Phong, học sinh đi lại rất vất vả vào mùa mưa. Nhiều em phải đi học hàng ngày bằng ghe, đò. Để đưa sách đến được với các em, Tuấn cùng đoàn thiện nguyện đã phải thuê thuyền chở vào. Sự vất vả ban đầu ấy đã nhanh chóng bị đánh tan khi nhìn thấy cảnh các em háo hức lật từng trang sách mà anh đã mang đến cho nhà trường. Tuấn bật cười khi thấy có em nhỏ cuối xuống hít hà mùi thơm từ giấy đang lan tỏa qua con chữ. Hình ảnh trong trang sách hiện lên lung linh, tươi đẹp như cầu vồng sau cơn mưa vẽ lên những tương lại rạng rỡ ở các vùng quê nghèo.  

Chương trình lì xì sách đêm giao thừa do Tuấn khởi xướng đến nay đã bước qua năm thứ 3 trở thành một điểm nhấn độc đáo cho Quảng Trị mỗi khi tết đến. Từ một vài người đơn độc tặng sách trước cái nhìn ngơ ngác của người qua đường, nay đã có nhiều người tham gia, trong đó có cả trẻ em. Nhiều nhà bắt đầu thực hiện việc tặng sách đầu năm thay vì lì xì tiền như thông lệ. Sách không thể khiến người đọc trong phút chốc thành công, giàu có, thiện tâm nhưng những người thành công, sống thiện tâm, tài giỏi thì hầu như đều đọc sách. “Nhà ta quý chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời” (Nhà tôi - Nguyễn Bính). Nếu người lớn không đọc sách, sách không đưa trao tới tay trẻ em để hình thành thói quen đọc thì việc “dốt chữ”, thiếu tri thức, sống vô cảm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. “Con người nếu không được bồi dưỡng tâm hồn thì dù giỏi cũng chỉ là một cỗ máy kiếm tiền. Và chỉ có sách là phương tiện nuôi dưỡng tâm hồn tốt nhất. Chúng ta thờ ơ với sách, thờ ơ với việc đem sách cho thế hệ trẻ đọc chính là việc “dọn đường” để tiếp nhận một thế hệ trẻ “vô cảm” – Lê Minh Tuấn chia sẻ.

***

Khởi động từ năm 2015, với những cuốn sách do chính mình bỏ tiền túi ra mua, đến nay thông qua sự kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm, Lê Minh Tuấn đã quyên được hơn 350 tủ sách lớp học đến 45 trường tiểu học với gần 20.000 quyển sách trị giá trên 700 triệu đồng. Đây chính là số tiền tính được từ sách, thực tế Tuấn còn phải bỏ ra nhiều hơn các chi phí cá nhân khác như: tiền vận chuyển, đi lại, các khoản chi phí ăn uống để đưa sách đến các điểm trường, công sức, thời gian… Đưa sách Việt qua biên giới nước Việt để đến với những người trẻ cần đọc sách, gìn giữ văn hóa đọc còn cả một chặng đường dài cần nhiều người góp sức. Ước mơ 3.000 tủ sách lớp học đã đi được hơn 1/10 chặng đường và hành trình đưa sách đến các miền biên viễn vẫn cần chàng trai có đôi mắt trong veo ấy!


Lê Minh Tuấn cùng bạn bè và các thầy, trò Trường Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào trong buổi tặng 16 tủ sách lớp học. - Ảnh: MT


Cô giáo Trần Thị Thanh Huyền trong một buổi dạy tiếng Việt cho các em học sinh tại Trường Trường phổ thông Hữu Nghị Việt – Lào. - Ảnh: MT

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ