“Lễ cúng tạ ơn trời đất” của người Vân Kiều


Ngày cập nhật: 21/08/2019 7:50:32 SA

(QT) - Tín ngưỡng thờ thần là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa. Họ tin vào thuyết vạn vật hữu linh. Ngay từ buổi đầu hình thành những ý niệm, con người đã biết thờ phụng các vị thần tự nhiên, siêu nhiên như: Thần Đất, Mây, Sấm, Sét và các vị thần như cây cối, núi sông, đường sá mà con người đi qua... Trong đó “Lễ tạ ơn trời đất" hằng năm là một trong những nghi lễ cúng thần linh quan trọng của người Vân kiều, nhằm tạ ơn đấng thần linh đã tạo ra của cải vật chất cho gia đình, dòng họ được giàu sang, sung túc và cuộc sống thuận hòa, an vui.

 

“Lễ cúng tạ ơn trời đất” của người dân tộc Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa với ý nghĩa hướng về cội nguồn​

 

Trong nếp sinh hoạt của đồng bào Vân Kiều, sau khi thu hoạch mùa vụ xong và bắt đầu một mùa gieo trồng mới thì các gia đình lại tất bật chuẩn bị “Lễ cúng tạ ơn trời đất". Lễ thường tổ chức vào tháng 6, tháng 7 Âm lịch và được tổ chức tại mỗi một gia đình của người Vân Kiều. Đây là lễ cúng truyền thống, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của gia chủ đến các đấng thần linh trong suốt một năm qua đã phù hộ cho gia đình được mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khỏe. Lễ vật chính trong “Lễ cúng tạ ơn trời đất" là thịt lợn, gia đình tổ chức lễ cúng sẽ chuẩn bị thực phẩm và lễ vật dâng cúng từ trước. Gia chủ sắp sẵn một con lợn và 2 con gà trống để tổ chức nghi lễ cúng. Ngoài việc dùng lợn làm lễ cúng, những lễ vật này còn dùng làm thực phẩm thết đãi anh em dòng họ và dành một phần trả công cho thầy cúng và những người giúp việc.

 

“Lễ cúng tạ ơn trời đất" của mỗi gia đình người Vân Kiều có hai nghi lễ chính gồm lễ hiến tế và tiễn đưa. Mở đầu là lễ hiến tế các đáng thần linh. Chủ nhà sẽ làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của con cháu và họ hàng để báo cáo, mời các vị thần về dự lễ, hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó nghi thức đánh cồng chiêng được tiến hành để chuyển sang lễ tiễn đưa. Trong nghi lễ này, một thầy cúng có uy tín trong cộng đồng được gia đình mời đến thực hiện. Thầy cúng sẽ thưa với các đấng thần linh về việc con cháu dâng lễ vật để tiễn đưa các vị thần về trời. Khấn nguyện xong, thầy cúng gieo quẻ: Nếu quẻ có 1 mặt sấp và 1 mặt ngửa thì có nghĩa rằng các đấng thần linh đã chấp nhận lời cầu nguyện. Còn nếu cả 2 mặt đều sấp hoặc đều ngửa thì lời cầu nguyện đó coi như chưa được chấp nhận và phải cúng lại từ đầu. Những lễ vật dâng lên sau khi kết thúc lễ cúng được chia đều để mọi người đến dự ăn uống, chia vui cùng gia đình. “Lễ cúng tạ ơn trời đất" của mỗi gia đình người Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời với ý nghĩa hướng về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn các vị thần đã luôn che chở, bảo vệ, giáo dục đạo lí uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ con cháu, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng và gia đình.

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ