Bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật


Ngày cập nhật: 10/06/2019 2:18:25 CH

Những năm gần đây công tác quản lí, bảo tồn động vật hoang dã và các loài nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động gây nuôi sinh sản động vật hoang dã hợp pháp ở địa phương đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và hỗ trợ tốt cho việc duy trì, bảo tồn gen các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

      

Giới thiệu và cùng trao đổi, thảo luận với người dân tham gia dự án BCC

              

Qua kết quả điều tra, tại Khu BTTN Đakrông có 70 loài thực vật, 96 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Khu BTTN Bắc Hướng Hoá có 36 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có 5 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã đã được cấp phép hoạt động; trong đó chủ yếu là cơ sở gây nuôi động vật hoang dã thông thường. Các loài động vật hoang dã đưa vào gây nuôi gồm lợn rừng, rùa đất Sêpôn, các loài rắn, hươu sao, kì đà vân... Các cơ sở gây nuôi này đã tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu của xã hội, giảm việc bắt bẫy động vật hoang dã ngoài tự nhiên, góp phần bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, quảng cáo, sử dụng trái phép động vật hoang dã chưa được ngăn chặn triệt để. Hoạt động nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phát triển thiếu kiểm soát; vi phạm các quy định về quản lí, bảo vệ động vật hoang dã vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức... làm suy giảm nguồn lợi động vật trong thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái, môi trường, gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật nói chung và ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các Công ước Quốc tế mà Việt Nam là một tổ chức thành viên.

 

Nhằm triển khai các biện pháp để phát triển bền vững các loài sinh vật trên địa bàn, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển bền vững loài song mây (11 loài), các loài dược liệu (198 loài), sa nhân tím tại Khu BTTN Đakrông; thực hiện điều tra, bảo tồn thảm thực vật rừng dưới 800 m; thực hiện chương trình bảo tồn phát triển các loài cá rạn (87 loài), bảo tồn loài cua đá dựa vào cộng đồng tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

 

Bên cạnh đó là tăng cường kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Ở Quảng Trị hiện có 3 loài sinh vật ngoại lai đang gây ra nhiều tác động đặc biệt xấu đến kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, đó là cây mai dương Mimosa pigra, ốc bươu vàng Pomacea canaliculata và cây ngũ sắc Lantana camara. Ngoài ra, một số loài xâm hại khác đến nay vẫn chưa gây ra những thiệt hại lớn, hoặc đang còn ở dạng gây hại tiềm tàng.

 

Để thực hiện quy định của Luật Đa dạng sinh học và Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các hoạt động nhằm kiểm soát, ngăn ngừa sự xâm hại của sinh vật ngoại lai xâm hại. Hằng năm, các địa phương đều thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, tiêu diệt, khống chế các loài ngoại lai xâm hại như mai dương, ốc bươu vàng. Trong 2 năm 2014-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thực hiện đề tài điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến phát triển loài mai dương trên địa bàn. Qua kết quả điều tra cho thấy, diện tích cây mai dương có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng đến tính đa dạng các loài thực vật, xâm hại nghiêm trọng diện tích canh tác nông nghiệp (lúa nước và hoa màu). Qua kết quả thống kê hiện nay diện tích xâm lấn cây mai dương khoảng 1.700 ha. Từ đó, sở đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng và thực hiện 7 mô hình phát động diệt cây mai dương tại 6 huyện, thị xã, thành phố...

 

Bên cạnh đó tỉnh Quảng Trị còn tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động trong thời gian qua chủ yếu hợp tác thực hiện các dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học Tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 tỉnh Quảng Trị” (BCC), “Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lí rừng bền vững cảnh quan Trung Trường Sơn Việt Nam” (dự án BCC-GEF). Qua 2 dự án này, các hoạt động cụ thể về hợp tác với các chuyên gia quốc tế đã được thực hiện về thiết lập hành lang, thiết lập bảo tồn loài, sinh cảnh trên địa bàn huyện Đakrông, Hướng Hoá. Đây là 2 dự án có quy mô khá lớn vừa hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển sinh kế cho cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn đã thực hiện hợp tác với các tổ chức quốc tế như Tổ chức bảo tồn chim Quốc tế (Birdlife), Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Quỹ tài trợ VinaCapital (VCF), Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Thụy Điển, Vườn thực vật Mitsuri Hoa Kỳ…

 

Thông qua các chương trình hợp tác với các tổ chức này, đội ngũ quản lí và lực lượng làm công tác bảo tồn đã nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên, được tiếp cận phương pháp nghiên cứu, điều tra, quản lí bảo tồn tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển hệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

(Nguồn: QT)

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ