Phát huy giá trị nghệ thuật dân gian Bài Chòi


Ngày cập nhật: 09/11/2018 8:55:55 SA

Ngày 07/12/2017, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ hiện tồn tại ở cả 9 tỉnh miền Trung. Đây là một loại hình nghệ thuật da dạng kết hợp âm nhạc dân tộc, thơ ca, diễn xướng, hội họa và văn học.

Hội Bài chòi là một thú tiêu khiển, nhẹ nhàng tao nhã, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên nam nữ trong vùng kể cả những người khách qua đường. Ở Quảng Trị, Bài chòi là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo hàm chứa giá trị di sản văn hóa đặc sắc riêng biệt của vùng miền, sự tinh túy của người Quảng Trị

Tại hầu hết các làng Việt cổ truyền trên địa bàn Quảng Trị từ những năm 1945 trở về trước, đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp Tết - đó là đánh bài tới. Bài tới là một hoạt động giải trí chủ yếu giành cho phụ nữ ở độ tuổi trung niên trở lên ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẽ trong từng gia đình. Về sau, đánh bài tới tại một số làng quê đã phát triển lên một bước mới về quy mô và cách thức, các làng đã cho dựng chòi phía trước sân đình, sân chợ để tổ chức hội Bài chòi, Cờ chòi trong các dịp xuân đến, thu hút mọi lứa tuổi trong cộng đồng làng tham gia cuộc chơi.

 Từ đây, Bài chòi thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng làng và được dân gian gọi là hội Bài chòi. Hiện nay, vào dịp Tết nguyên đán hội chơi Bài chòi đã được tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh và một số làng quê trên địa bàn tỉnh như: làng Tùng Luật, làng Cổ Mỹ (xã Vĩnh Giang), làng Đơn Duệ (xã Vĩnh Hòa), Khóm 5, Khóm 6 (thị trấn Hồ Xá) của huyện Vĩnh Linh; Làng Hà Thượng (Thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh); Làng Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong)…vẫn bảo lưu trò chơi dân gian này, tạo thêm những dấu ấn đặc sắc trong đời sống văn hóa của cộng đồng các làng xã.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tiến hành nhiều đợt điều tra, nghiên cứu, kiểm kê bước đầu về “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” trên địa bàn một số làng - xã của tỉnh Quảng Trị. Tháng 10 năm 2014, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện âm nhạc Việt Nam tổ chức tọa đàm về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt tại Quảng Trị”. Ngày 29/6/2018, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị, Sở VH-TT&DL phối hợp với Đài PT&TH Quảng Trị tổ chức Lễ vinh danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Lễ vinh danh Nghệ thuật bài chòi là dịp quảng bá, tôn vinh những giá trị đặc sắc của Nghệ thuật Bài chòi Quảng Trị đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Từ đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, Các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, theo học. Trong bối cảnh đó, di sản nghệ thuật Bài chòi là một trò chơi cũng bị ảnh hưởng. Đó là cách thức tổ chức Hội Bài chòi tại một số cộng đồng làng xã đã có nhiều thay đổi và dần mất đi tính cổ truyền.

Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào chung cho cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào đó, trách nhiệm đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam để nó tiếp tục phát triển, lan tỏa, xứng đáng với vị trí, vai trò trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Cần chú trọng công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần thống kê lại các nghệ nhân, câu lạc bộ đang thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi.

Giới thiệu di sản nghệ thuật Bài chòi vào trường học theo hình thức ngoại khóa; Tạo sân chơi cho các câu lạc bộ, đội, nhóm, nghệ nhân Bài chòi tham gia trình diễn Nghệ thuật Bài chòi thông qua các dịp lễ hội lớn của tỉnh. Khai thác có hiệu quả di sản Bài chòi phục vụ phát triển văn hóa và du lịch, xây dựng nghệ thuật Bài chòi trở thành một sản phẩm phục vụ phát triển du lịch bền vững. Bài chòi cần đến gần hơn với quần chúng nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán, tại Lễ hội Thống nhất non sông hàng năm và các hoạt động lễ hội lớn khác của tỉnh, huyện, thị, thành phố./.


Hội bài chòi được tổ chức tại Lễ hội thống nhất non sông thu hút người dân và du khách tham gia.


Tập huấn về bài chòi cho các xã, phường của thị xã Quảng Trị.

Bài, ảnh: Lệ Thủy

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ