Tiềm năng - Lợi thế

Nhìn lại chặng đường 30 năm thu hút đầu tư vào Quảng Trị


Ngày cập nhật: 03/03/2020 3:10:44 CH

                                                                      Nguyễn Huy

                                                         Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

          Khánh thành Nhà máy điện mặt trời LIG- Quảng Trị (6/2019)- Một trong những công trình tiêu biểu chào mừng 30 năm ngày lập tỉnh Quảng Trị

 

30 năm sau ngày lập lại, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội; Quảng Trị đang trở thành điểm đến tiềm năng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 1989, trên toàn tỉnh chỉ có 1.635 cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, các mô hình sản xuất chủ yếu thô sơ, do hợp tác xã quản lý thực hiện. Mạng lưới giao thông chưa kết nối liên hoàn, nhiều địa phương chưa có đường ô tô nối liền trung tâm; Hệ thống kênh mương thủy lợi quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 35% nhu cầu tưới tiêu. Nguồn cung cấp điện toàn tỉnh chỉ võn vẹn với 02 máy diezen GE66, 2 máy GE72.

Đến năm 1998, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập theo Quyết định số 219/1998/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, tạo nên cột mốc chuyển biến mới cho tỉnh trong thu hút đầu tư. Với diện tích 15.804 ha và sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh và Trung ương, Khu KT-TM Đặc biệt Lao Bảo được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia sản xuất kinh doanh, biến vùng biên giới miền Tây xa xôi của tỉnh trở thành trung tâm thương mại sôi động, đô thị khá sầm uất. Đến nay, tỉnh đã huy động hơn 1.652 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế, thu hút hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa bàn, với 63 dự án đăng ký đầu tư có tổng vốn đăng ký là 3.720 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động; Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại khu kinh tế năm 2005 là 208 tỷ đồng, năm 2015 đạt 1.920 tỷ đồng, năm 2018 đạt 2.000 tỷ đồng (gấp 100 lần so với năm 2005); mang lại nguồn thu ngân sách hơn 3.859 tỷ đồng trong 20 năm.

Khu Công nghiệp Nam Đông Hà được thành lập năm 2004, được đầu tư 78,89 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng; đã thu hút được 33 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2.004 tỷ đồng, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp nộp ngân sách khoảng 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Khu Công nghiệp Quán Ngang được đầu tư 135,858 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng; Trở thành điểm dừng chân của 21 dự án đầu tư, nâng tổng vốn đầu tư toàn tỉnh thêm 3.344 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, Cụm Công nghiệp Ái Tử, Cụm Công nghiệp Diên Sanh… cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tạo điểm đến mới cho nhà đầu tư chiến lược. Với lợi thế là cửa ngõ ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và diện tích lên đến 23.973 ha, Khu Kinh tế Đông Nam được kỳ vọng sẽ tạo nên điểm nhấn mang tính đột phá trong vận động, thu hút đầu tư và trở thành lực tăng trưởng vùng kinh tế động lực của tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, ngân sách đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, bước đầu có 28 dự án đầu tư đã đăng ký hoạt động với tổng vốn là 13.762 tỷ đồng; ngoài ra, có 17 dự án đang nghiên cứu và triển khai các thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến là 162.372 tỷ đồng. Trong số đó, có các dự án trọng điểm mang tầm chiến lược như: Dự án xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí… được dự báo sẽ mang đến tươi lai tươi sáng cho bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị không thể không kể đến sự đóng góp tích cực, vai trò của các thành phần kinh tế trong tỉnh. Doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng được tái cơ cấu, đổi mới và thực hiện cổ phần hóa. Từ 107 Doanh nghiệp Nhà nước, 122 công ty, xí nghiệp, nông trường năm 1989, đến nay chỉ còn 06 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 03 công ty đang xây dựng lộ trình cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này đóng vai trò ổn định chính trị, xã hội, điều tiết nền kinh tế địa phương. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, chuyển đổi, có đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển mạnh mẽ. Từ 110 doanh nghiệp tư nhân năm 1991, đến nay toàn tỉnh có hơn 3.400 doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô khá lớn, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tham gia vào nền kinh tế, tuy số lượng còn ít và quy mô còn khiếm tốn song đã và đang khẳng định vai trò trong nền kinh tế tỉnh nhà. Các doanh nghiệp FDI đã tạo tiền đề, động lực và tác động lan tỏa trực tiếp và gián tiếp đối với các doanh nghiệp nước ngoài khác, các khu vực kinh tế khác của Việt Nam

Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng nhanh, tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 61,8 lần so với giai đoạn 2001-2005

Giai đoạn    2001-2005  2006-2010  2011-2015  2016-2019

Số dự án     13      115    135    166

Tổng vốn (tỷ đồng)        859    19.639        35.213        53.063

 

Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất viên nén Tân Ký (6/2019) tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, huyện Gio Linh

 

Nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã gặt hái được nhiều trái ngọt, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã đóng vai trò tích cực và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Với các điều kiện địa kinh tế thuận lợi, Quảng Trị hội tụ nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hoá, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với các nước trong tiểu vùng Mê Kông. Để vượt qua những khó khăn, hạn chế và bứt phá đi lên trong hành trình phát triển, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp thu hút đầu tư như sau:

Một là, Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức rà soát những cơ chế, chính sách đã ban hành, kịp thời bổ sung, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp; bãi bỏ những quy định cản trở môi trường đầu tư, tăng tính cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn, mang tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như điều kiện thực tế của tỉnh.

Hai là, Thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỷ thuật. Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển các ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư. Tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các công tŕnh giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh; đồng thời kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia.

Ba là, Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án. Thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh; kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của các dự án không thực hiện hoặc chậm tiến độ, hoặc sai quy định... tạo sự công bằng giữa các nhà đầu tư.

 

Bốn là, Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công khai minh bạch các thủ tục hành chính, trình tự, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, mẫu đơn, mẫu tờ khai, phí, lệ phí, điều kiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử của các cấp, các ngành và các hình thức công khai khác. Thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa liên thông về đăng ký đầu tư, quy hoạch, đất đai, cấp phép xây dựng. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư, cản trở hoạt động của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư.

Năm là, Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm trợ giúp các DNNVV mở rộng, tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm cơ hội đầu tư trong và ngoài nước. Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư.

Sáu là, Tập trung có trọng tâm, trọng điểm để xúc tiến, vận động các dự án đầu tư giàu tiềm năng cho nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng các đề xuất dự án để vận động, kêu gọi 17 dự án thuộc 05 lĩnh vực kêu gọi đầu tư trọng điểm đã được UBND tỉnh ban hành trong năm 2019 gồm: Công nghiệp điện, năng lượng; Chế biến, bảo quản thực phẩm, nông sản; Sản xuất, chế biến công nghiệp; Cơ sở hạ tầng; Dịch vụ du lịch.

Với các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Trị như trên, tin tưởng rằng, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khảo sát xây dựng mô hình homestay tại thôn Chênh Vênh (28/6/2021)
Công ty Oxalis đề xuất dự án phát triển du lịch tại thác Tà Puồng và ven biển Vịnh Mốc (4/6/2021)
Đảo xanh cồn cỏ (28/5/2021)
Tạo thế và lực mới để thành phố Đông Hà phát triển nhanh, bền vững (1/2/2021)
Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Trị (1/2/2021)
Thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển (13/8/2020)
Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 2: Phát huy thế mạnh kinh tế để vươn ra “biển lớn” (7/7/2020)
Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 1: Những đô thị trẻ trên đường xuyên Á (7/7/2020)
Triển vọng từ giống lúa hữu cơ thảo dược tím (26/5/2020)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ