VĂN HÓA QUẢNG TRỊ

Vua Hàm Nghi trong lòng dân Cam Lộ


Ngày cập nhật: 22/07/2020 8:44:35 SA

Nhà Nguyễn được thành lập sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, đất nước bước vào thời kỳ đen tối, rối ren. Đỉnh điểm những khó khăn nhất của triều đình là sau khi vua Tự Đức băng hà. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 3 ông vua lần lượt bước lên ngai vàng rồi bị phế và bị giết là: Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Trong bối cảnh loạn ly ấy, Hàm Nghi được chọn bước lên ngai vàng ngày 2 tháng 8 năm 1884.

 

Nhân dân Cam Lộ phấn khởi trong lễ rước Long vị vua Hàm Nghi. Ảnh: AV

 

Vua Hàm Nghi có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu là Ưng Lịch, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871 tại Huế. Ông là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc và Chánh Mông, tức vua Đồng Khánh sau này.

 

Đêm ngày 5 rạng sáng ngày 6 tháng 7 năm 1885, tức 23 tháng 5 năm Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết cho quân lính tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ Huế. Bằng vũ khí tối tân, quân Pháp phản công lại, quân ta thua chạy.Trước tình thế khẩn cấp này, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng với tam cung xa giá ra Quảng Trị. Tại đây, ngày 2 tháng 6 năm Ất Dậu, tức là ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam đứng lên đứng lên giúp vua giết giặc cứu nước, khôi phục giang sơn. Lời hiệu triệu của nhà vua trẻ yêu nước đã thức tỉnh tâm can văn thân sĩ phu và Nhân dân trong cả nước.

 

“Khi vua Hàm Nghi lên Tân Sở thì khí thế theo vua rất mạnh mẽ, ngoài việc Nhân dân đóng góp của cải vật chất để xây dựng thành Tân Sở ra thì có rất nhiều tướng lĩnh xuất hiện trong thời kỳ này. Nhân dân các làng, đặc biệt là các làng ở Cam Lộ hưởng ứng phong trào Cần Vương rất đông. Vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888 nhưng phong trào này vẫn tồn tại đến năm 1896, nghĩa là linh hồn của phong trào Cần Vương kéo dài đến 8 năm sau”, PGS-TS Đỗ Bang, Trường Đại học Khoa học Huế chia sẻ.

 

Những kỷ vật liên quan tới vua Hàm Nghi được gia đình ông Nguyễn Văn Phụng (ngồi ngoài, bên trái) lưu giữ. Ảnh: AV

 

Đã 135 năm trôi qua nhưng bộ mâm gỗ, đĩa, bình rượu này vẫn được gia đình ông Nguyễn Văn Phụng, 84 tuổi, ở thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ lưu giữ cẩn thận như một kỷ vật thiêng liêng của gia tộc. Cả 6 cái đĩa và bình rượu đều có khắc chữ “Vạn” bằng tiếng Hán là tên ông nội của ông Phụng. Những vật dụng này được ông nội ông Phụng dùng để dâng lên vua Hàm Nghi những sản vật của địa phương khi vua đến Tân Sở và ban Dụ Cần Vương kêu gọi Nhân dân đứng lên giúp vua đánh giặc. “Cha tui kể lại rằng, những đồ vật này ngày xưa ông nội tui dùng để bưng lên nhà vua những sản vật trong gia đình trồng được như chuối, mít, khoai, sắn... Những đồ dùng này đã được mấy thế hệ gia đình tui lưu giữ rất đàng hoàng, xem đó như kỷ vật liên quan đến vị vua trẻ yêu nước ...”, ông Nguyễn Văn Phụng nói.

 

Thành Tân Sở, Dụ Cần Vương cùng dấu chân và hình ảnh vua Hàm Nghi không chỉ là những dấu ấn lịch sử thiêng liêng mà còn là niềm tự hào của người dân cả nước nói chung và Cam Lộ nói riêng.

 

Để tri ân vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, văn thân, sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, với đạo lý “Uống nuốc nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu mới lập lại huyện Cam Lộ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Cam Lộ đã quyết tâm nghiên cứu, khảo sát, tìm những chứng cứ khoa học để lập hồ sơ đề nghị công nhận thành Tân Sở là di tích lịch sử, nơi cội nguồn của phong trào Cần Vương. Được sự quan tâm của các bộ ngành liên quan, sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các Sở ngành tỉnh Quảng Trị, các nhà khoa học lịch sử; đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ giúp đỡ của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng Quảng Trị đã hỗ trợ giúp đỡ cho huyện hoàn thành hồ sơ khoa học pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê chuẩn. Di tích căn cứ Thành Tân Sở, ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1995 theo Quyết định số 65/QĐBVHTT, ngày 16/01/1995 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

 

Năm 2011, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Trị và Trường Đại học Khoa học Huế tiến hành khai quật, khảo cổ học, xác định vị trí và tiến hành cắm mốc di tích với tổng diện tích là 25 ha (diện tích khuôn viên của Thành Tân Sở là 22,9 ha, vành đai bảo vệ xung quanh là 2,1 ha). Trên cơ sở tham khảo kiến trúc một số đền thờ, công trình tưởng niệm trong và ngoài tỉnh, năm 2018, dự án xây dựng Đền thờ được khởi động. Sau nhiều lần điều chỉnh, năm 2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương. Đền thờ có phạm vi xây dựng trên diện tích 243 m2 với tổng mức đầu tư hơn 7 tỉ đồng, bao gồm một ngôi đền 5 gian, 2 chái, khuôn viên, hàng rào, sân vườn và các hạng mục phụ trợ với trang thiết bị đồng bộ. Các hạng mục công trình được thiết kế theo kiến trúc văn hóa tâm linh truyền thống thời triều Nguyễn, với các vật liệu bền chắc như: gỗ, đá, gạch, ngói... kết hợp với vật liệu hiện đại bằng bê tông cốt thép giả gỗ. Phần nội thất bên trong như Án thờ, Long vị, Bài vị cũng được một nghệ nhân ở Huế thi công; bài trí bảo đảm đăng đối, trình tự với các lư hương, bát bửu... Quy mô kiến trúc cùng với hệ thống văn bia, đồ thờ tự đã hòa quyện, hợp thành một chỉnh thể không gian linh thiêng, mạng đậm nét kiến trúc Triều Nguyễn.

 

Vừa qua, huyện Cam Lộ tổ chức lễ rước, an vị Án thờ và Long vị vua Hàm Nghi, Bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường, các tướng sĩ Cần Vương, các văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương đúng vào dịp kỷ niệm 135 năm ngày vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương 13/7 (1885-2020).

 

“Khi xây dựng được Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương, rước Long vị của vua và Bài vị Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường sẽ có nhiều người đến chiêm bái, thăm viếng ở khu di tích lịch sử này. Đây cũng sẽ trở thành điểm đến trong không gian du lịch chung của tỉnh Quảng Trị. Huyện Cam Lộ mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội tập trung thêm nguồn lực để huyện tiếp tục đầu tư, tôn tạo lại các hạng mục công trình thành Tân Sở trước đây để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Cam Lộ và Quảng Trị”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

 

Tròn 135 năm, kể từ ngày vua Hàm Nghi đặt chân đến Tân Sở. Dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng hình ảnh của vua Hàm Nghi được lịch sử ghi lại và sống mãi trong lòng người dân nơi đây. Công trình Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương là lời tri ân sâu sắc đến anh linh các bậc tiền nhân của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Cam Lộ hôm nay và mai sau.

(Theo baoquangtri.vn, link nguồn: http://baoquangtri.vn/V%C4%83n-h%C3%B3a-Th%E1%BB%83-thao/modid/421/ItemID/150003)

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ