VĂN HÓA QUẢNG TRỊ

Xây dựng Festival đặc trưng của Quảng Trị và Việt Nam: Đóa Hòa bình nở trên đất lửa


Ngày cập nhật: 24/01/2020 2:02:43 CH

NGUYỄN HOÀN

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

 

Kỳ 3: Festival “Vì Hòa bình” – Vì mục tiêu thịnh vượng chung của nhân loại

 

Trước hết là phải thường xuyên, liên tục sáng tạo ý tưởng, nhất là những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Những ý tưởng này sẽ được thực tiễn “mách nước”, khi chúng ta suy ngẫm, chiêm nghiệm, khai thác chiều sâu lịch sử, văn hóa, con người Quảng Trị, từ đó làm bật lên “thông điệp hòa bình” cho mỗi kỳ Festival. Ý tưởng thì có nhiều, nhưng có thể quy về hai loại: “Ý tưởng về Quảng Trị” và “ý tưởng từ Quảng Trị”. “Ý tưởng về Quảng Trị” là sự nhận diện, khai thác sâu về nội hàm Quảng Trị, về “tính Quảng Trị”. Còn “ý tưởng từ Quảng Trị” vừa có chiều sâu, vừa có nội hàm rộng lớn hơn nhiều, từ Quảng Trị nhìn ra những vấn đề chung, những thông điệp chung cho cả nước và cả những giá trị mang tính phổ quát, toàn nhân loại. Nếu mỗi kỳ Festival “Vì Hòa bình” thể hiện hài hòa hai loại ý tưởng đó thì du khách trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn sẽ vừa cảm và hiểu sâu hơn về Quảng Trị, đồng thời vừa tìm thấy bóng dáng mình trong đó, như tìm được “bản lai diện mục” của mình trong Quảng Trị vậy. Như thế mới hy vọng du khách không chỉ yêu lần đầu mà còn yêu cả những lần sau, với Quảng Trị. Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi xin được phác họa một số “ý tưởng từ Quảng Trị” để chúng ta cùng tham khảo, chia sẻ:

- “Cây Hòa bình” của người Mỹ tại Quảng Trị là một hình ảnh đẹp, một biểu tượng đẹp cần được Festival “Vì Hòa bình” chọn làm đề tài khai thác, chọn làm cái tứ hay, làm điểm nhấn trong tổng thể chương trình.

Tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam - PTVN) do 3 người Mỹ là bà Jerilyn Brusseau cùng chồng là Danaan Parry và mẹ là bà Rae Cheney thành lập năm 1996. Bà Rae Cheney có con trai là Danien Cheney (em bà Jerilyn Brusseau), một phi công Mỹ đã mất tại chiến trường Việt Nam lúc mới 21 tuổi. Từ nỗi đau chiến tranh đó, bà đã cùng vợ chồng con gái lập nên PTVN nhằm bắc một nhịp cầu hòa bình, hữu nghị giữa hai nước Việt-Mỹ, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là tổ chức phi chính phủ đầu tiên của Mỹ được Việt Nam cấp phép hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị. Hơn 20 năm qua, PTVN đã hỗ trợ tháo dỡ và phá hủy hơn 102.138 bom, mìn, vật liệu nổ, làm sạch gần 400 ha đất nhiễm mìn, trồng hơn 43 nghìn cây xanh… Ngày 10/9/2010, tại Trường Mầm non Khe Đá, Lao Bảo, Quảng Trị, bà Rae Cheney đã đến dự lễ khánh thành thư viện Mothers Peace, Trường mẫu giáo Daniel Cheney, tổng trị giá 38.000 USD do PTVN tài trợ. Ngày 29/8/2019, tại Hà Nội, bà Jerilyn Brusseau đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước vì những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhân dân giữa Việt Nam và Mỹ. Trong chuyến công tác tại Quảng Trị ngày 27/8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đã đến thăm một địa điểm rà phá vật liệu chưa nổ của PTVN.

- Nhật Bản là một đối tác quan trọng của Festival “Vì Hòa bình”. Quảng Trị là nơi Nhật Bản sớm đưa thuyền châu ấn đến để giao thương, buôn bán, dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nhật Bản có hai thành phố phải chịu thảm họa hạt nhân là Hiroshima và Nagasaki. Cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có sáng kiến về Hành lang Kinh tế Đông-Tây và tài trợ phát triển Hành lang này. Các đối tác Nhật Bản có thể tham gia các hoạt động tại Festival “Vì Hòa bình” như: Triển lãm về thuyền châu ấn và bang giao Việt - Nhật trong lịch sử; triển lãm, hội thảo về phát triển Hành lang Kinh tế Đông-Tây; giới thiệu chim hạc, biểu tượng hòa bình của Nhật Bản và nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản…

- Hàn Quốc là một đối tác có những niềm đồng cảm, chia sẻ với Quảng Trị về Hòa bình và Phát triển. Hàn Quốc đã tài trợ Chương trình Hạnh phúc tại Quảng Trị nhằm phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Tổ chức Y tế vì hòa bình Hàn Quốc (Medipeace) đã triển khai nhiều dự án, viện trợ phi dự án hỗ trợ nhân đạo, tài trợ dự án phục hồi chức năng, cải thiện cuộc sống cho trẻ em khuyết tật Quảng Trị. Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Quảng Trị. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Trị.

- Không phải ngẫu nhiên mà có những bài hát về người mẹ Quảng Trị đã nổi tiếng cả nước, được nhiều người trong nước hát như “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy, “Người mẹ Ô Lý” của Trịnh Công Sơn… Đạt được điều đó là do sức khái quát về hình tượng Mẹ Việt Nam “từ Quảng Trị” của các nhạc sĩ, như Đài Pháp RFI đã bình luận về “Bà mẹ Gio Linh”: “Từ niềm đau cá nhân của một bà mẹ đã thăng hoa thành niềm đau chung của một dân tộc và của loài người”. Nói đến người mẹ là nói đến khát vọng hòa bình cháy bỏng tâm can. Festival “Vì Hòa bình” cần tổ chức những đêm nhạc trong nước và quốc tế với chủ đề Hòa bình, ví dụ như đêm nhạc “Trịnh Công Sơn, tiếng hát hòa bình” (nhạc Trịnh đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc).

- Từ câu chuyện Hàng rào điện tử Mc Namara, có thể tổ chức những cuộc hội thảo, trao đổi, diễn đàn (trong nước và quốc tế) về chiến tranh điện tử thời Mc Namara; nguy cơ chiến tranh công nghệ cao thời cách mạng công nghiệp 4.0 (với việc sử dụng “robot sát thủ” và trí tuệ nhân tạo trong quân sự khiến hậu quả chiến tranh sẽ vô cùng thảm khốc, nhân loại bị hủy diệt); vai trò của con người trong phòng chống nguy cơ, hiểm họa khôn lường của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự… 

Khi đã có ý tưởng sáng tạo cho Festival rồi, các bước tiếp theo là xây dựng kịch bản và tổ chức thực hiện. Để có kịch bản hay và thể hiện có hiệu quả, cần đặt hàng cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng, am hiểu chuyên môn sâu trong nước về kịch bản, đạo diễn dàn dựng chương trình, mời các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nước ngoài đến biểu diễn…

Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị phải được tổ chức có tính quốc gia và quốc tế. Do đó, công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện phải hết sức chu đáo và mang tính chuyên nghiệp cao. Cần thành lập một Hội đồng tư vấn về chuyên môn, gồm những người am hiểu về tổ chức lễ hội, về lịch sử, văn hóa của vùng đất Quảng Trị để hiến kế, đề xuất những nội dung chương trình lễ hội đặc sắc, phù hợp. Trên cơ sở đó, cần hoạch định chiến lược “dài hơi” cho Festival trong vòng 6 - 10 năm, trong đó phải dự tính được chương trình và điểm nhấn của từng kỳ Festival. Trên cái sườn đó, mỗi kỳ sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế, tránh sự nhàm chán, đơn điệu, lặp lại, đảm bảo mỗi kỳ có những điểm mới, sáng tạo mới mà vẫn giữ được hồn cốt riêng của Festival “Vì Hòa bình” mang màu sắc Quảng Trị. Lập Ban Tổ chức Festival để tham mưu cho UBND tỉnh về đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với UBND tỉnh trong thực hiện Đề án Festival, về chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình, về đàm phán, tìm kiếm đối tác tham gia tổ chức, biểu diễn, tài trợ... Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, cần tăng cường huy động các nguồn tài trợ, nguồn xã hội hóa cho Festival. Festival “Vì Hòa bình” không chỉ quảng bá về văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế, vì mục tiêu thịnh vượng, do đó có thêm cơ sở để huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp... Mặt khác, khi Festival dần tạo được thương hiệu, chính thương hiệu đó sẽ tạo ra sức hút nam châm đối với các nguồn lực hỗ trợ, tham gia. Để Festival có sức sống lâu bền, không bị “Nhà nước hóa” thì phải khuyến khích, huy động nhân dân tham gia một số chương trình, nội dung cho thêm phần phong phú, sinh động, chẳng hạn như diễn xướng dân gian: hát bài chòi, hò giã gạo với không gian thanh bình gạo trắng nước trong… Như thế, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo Festival, vừa được hưởng thụ giá trị của Festival mang lại. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố thời gian diễn ra Festival. Với Quảng Trị, việc chọn tháng 7 để tổ chức Festival “Vì Hòa bình” là hợp lý, vì tháng này nhiều năm nay đã diễn ra chuỗi sự kiện quan trọng về lịch sử, văn hóa và tâm linh của Quảng Trị, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân cả nước. Đồng thời, thời điểm này cũng diễn ra vào mùa hè, về mặt thời tiết là tương đối thuận lợi.

Tháng 7 hàng năm, cả nước đã “hành hương về nguồn” với Quảng Trị trong niềm cảm khái, xúc động dâng trào trước thành quả và giá trị bất diệt của Hòa bình. Trên nền tháng 7 thiêng liêng đó, mỗi kỳ Festival “Vì Hòa bình” cần được mở ra để chứng kiến mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi tấc đất thấm bao mồ hôi, nước mắt, máu xương giữ gìn của cả nước đã nở muôn triệu đóa hòa bình, cùng đất nước thăng hoa trong vận hội mới, cùng nhân loại gìn giữ hòa bình, thịnh vượng.

………………………………………..

(1) W.Burchett, dẫn theo “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, tập 3”, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2002, tr. 119.

(2), (3) Daniel Ellsberg, Những bí mật về chiến tranh Việt Nam (Hồi ức về Việt Nam và hồ sơ Lầu Năm Góc), NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 324, 325.

(4) Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

(*) Tựa do BBT đặt

 

Kỳ 1:  Vì sao chọn Quảng Trị làm nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình”? 

Kỳ 2: Những giá trị độc đáo của Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị (*)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ