VĂN HÓA QUẢNG TRỊ

Xây dựng Festival đặc trưng của Quảng Trị và Việt Nam: Đóa Hòa bình nở trên đất lửa


Ngày cập nhật: 23/01/2020 3:02:43 CH

NGUYỄN HOÀN

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Kỳ 2: Những giá trị độc đáo của Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị (*)

Trong những năm trở lại đây, nhiều lễ hội được tổ chức ở các địa phương và được nhiều người biết đến như: Festival Huế, Festival Du lịch Hạ Long, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Cà phê Buôn Mê Thuột, Festival Thuyền Buồm Mũi Né Bình Thuận, Festival Diều quốc tế Vũng Tàu, Festival Biển Nha Trang, Festival Trà quốc tế Thái Nguyên, Festival Lúa gạo Nam Bộ, Festival Hoa Đà Lạt... Việc tổ chức các lễ hội là sự cần thiết của một đất nước hay một địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập và phát triển, là sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đất nước với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều lễ hội sau một thời gian tổ chức đã cho thấy sự nhàm chán, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tính sáng tạo nghệ thuật, kém hấp dẫn, ít hiệu quả về kinh tế - xã hội, ít nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân... Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị ra đời sau nên có lợi thế là tránh được lối mòn của các nơi đi trước, tìm lối đi tạo được sự khác biệt.

Xét về nội hàm, nếu các Festival khác chỉ chuyên chú vào quảng bá di sản hay một lĩnh vực, một mặt hàng, một thương hiệu như du lịch, hoa, cà phê, lúa gạo… thì Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị có nội hàm rộng hơn, phong phú hơn. Nội hàm “Vì Hòa bình” mà Festival dựa vào để phát triển ý tưởng, xây dựng kịch bản bao gồm những ý chính sau:

- Tôn vinh giá trị bất diệt, trường tồn của hòa bình.

- Tôn vinh “tính thiêng” của mảnh đất Quảng Trị, nơi nhuốm bao xương máu của những người đã xả thân cho hòa bình, nơi có 72 nghĩa trang, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, nơi có những nghĩa trang không mộ, nơi hình hài người lính đã hóa thành đất đai sông núi.

- Thăm lại chiến trường xưa, nguyện cầu cho hòa bình.

- Hòa bình là “thuốc tiên” để xoa dịu nỗi đau hậu chiến, để hòa hợp hòa giải dân tộc, để hóa giải hận thù, xây đắp tình hữu nghị giữa các nước. Vì thế mà ngày 27/8/2019, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã đến thắp hương viếng hơn 10.000 liệt sĩ Việt Nam tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đi bộ qua cầu Hiền Lương.

- Chữ “Vì” (trong cụm từ “Vì Hòa bình”) nhắc nhở chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ hòa bình, cảnh giác trước những nguy cơ chiến tranh, xung đột, tranh chấp, bất ổn khó lường, như câu cảnh báo nổi tiếng của Jiliut Phuxich: “Hỡi nhân loại, ta yêu người, nhưng hãy cảnh giác”.

- Để nói về một nền hòa bình vững chắc, người ta dùng từ “thái bình” (chữ “thái” nghĩa là cao, to, lớn). Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo”: “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Để có hòa bình bền vững, phải phát triển kinh tế thịnh vượng - cơ sở đảm bảo cho hòa bình vững chắc. Do đó, một nội dung rất quan trọng của Festival “Vì Hòa bình” là tổ chức các hoạt động giới thiệu, triển lãm, quảng bá các thành tựu kinh tế, các sản phẩm, thương hiệu; hội chợ thương mại du lịch; các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…

Trên cơ sở nội hàm Festival “Vì Hòa bình” đã được xác định, cần thiết kế các trục không gian chính để dựng nên tòa lâu đài Festival đảm bảo quy mô, hoành tráng và đủ sức hấp dẫn du khách. Các trục không gian chính đó là:

- Trục không gian Bắc - Nam: Trục này chạy dọc tỉnh Quảng Trị theo Quốc lộ 1A và “lan tỏa” ra các vùng xung quanh, với các điểm nhấn: Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh; di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh); di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và Hải Lăng).

- Trục không gian Đông - Tây: Trục này chạy dọc đường 9, nối Cửa Việt - Lao Bảo với các điểm nhấn: Cửa Việt (nơi diễn ra trận đấu xe tăng thiết giáp lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam, trước thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực), Đông Hà (thành phố động lực của tuyến kinh tế động lực đường 9), Hàng rào điện tử Mc Namara, Cam Lộ (Thành Tân Sở và Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Khe Sanh, Lao Bảo (nơi có chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, nơi dự định xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Đensavẳn). Trên trục này có 2 hành lang: Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Hành lang Kinh tế song song với Hành lang Kinh tế Đông - Tây (nối La Lay với Mỹ Thủy).

- Trục không gian biển: Trục này nối Mỹ Thủy với Cửa Việt, Cửa Tùng và đảo Cồn Cỏ. Trục này giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển (nơi sẽ có cảng biển nước sâu Mỹ Thủy, có khu du lịch biển Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ đã được tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương bổ sung vào khu du lịch quốc gia); bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có đảo Cồn Cỏ - cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, có ngư trường Hoàng Sa. Riêng với trục không gian này, có thể làm một Festival biển ở trong Festival “Vì Hòa bình”, tức là Festival ở trong Festival.

Với nội hàm phong phú, với các trục thiết kế không gian như trên, Festival “Vì Hòa bình” sẽ có nhiều đất diễn và diễn lâu dài, theo định kỳ “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, để Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị không bị lẫn với rất nhiều Festival của các địa phương khác và thực sự trở thành một thương hiệu riêng của tỉnh Quảng Trị, kể cả là một thương hiệu độc đáo của Việt Nam thì phải làm gì?

 

Kỳ 1:  Vì sao chọn Quảng Trị làm nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình”? 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ