VĂN HÓA QUẢNG TRỊ

Xây dựng Festival đặc trưng của Quảng Trị và Việt Nam: Đóa Hòa bình nở trên đất lửa


Ngày cập nhật: 22/01/2020 11:02:43 SA

NGUYỄN HOÀN

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

 

Kỳ 1: Vì sao chọn Quảng Trị làm nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình”? (*)

Quảng Trị cũng như các tỉnh, thành khác trong nước muốn phát triển phải dựa trên hai trụ cột chính là kinh tế và văn hóa. Đối với trụ cột kinh tế, trải qua 30 năm lập lại tỉnh, với những bước trải nghiệm, thử thách, đổi mới và phát triển, Quảng Trị đã xác định rõ hơn về hướng tạo ra sự đột phá trong phát triển, dựa vào khai thác lợi thế Hành lang Kinh tế Đông-Tây; phát triển các dự án động lực; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; năng lượng tái tạo; nông nghiệp sạch, công nghệ cao… Tuy nhiên, do xuất phát điểm của một tỉnh gặp nhiều khó khăn, chiến tranh tàn phá nặng nề, thiên tai khắc nghiệt, thiên nhiên không nhiều ưu đãi như các nơi khác, kinh tế Quảng Trị có phát triển nhanh đến mức nào đi nữa cũng chỉ đủ sức biến Quảng Trị từ một tỉnh đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2025. Kinh tế Quảng Trị không thể phát triển “vượt trội” hơn nhiều nơi khác trong nước, vì Quảng Trị không nằm trong các vùng động lực, các cực phát triển của đất nước. Nhưng về văn hóa thì lại khác. Văn hóa Quảng Trị, với mảnh đất, con người, với danh tiếng Quảng Trị vang vọng trong dòng lịch sử không chỉ trong nước mà cả thế giới biết đến, rõ ràng có tính “vượt trội”, tính đặc thù. Vấn đề đặt ra là phải khai thác, phát huy tính “vượt trội”, tính đặc thù này như thế nào, để văn hóa Quảng Trị có thể phát triển đi trước một bước so với kinh tế Quảng Trị, đặc biệt, văn hóa phải tạo “cú hích”, tạo động lực cho kinh tế phát triển. Một trong những phương thức đắc dụng, hiệu quả để khai thác tính “vượt trội”, tính đặc thù này của văn hóa Quảng Trị mà lâu nay đã làm đó là tổ chức các lễ hội có tính quảng bá như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, “Nhịp cầu xuyên Á”, Tri ân tháng 7, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn… tạo được tiếng vang, hiệu ứng lan tỏa. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Cần hướng đến một hoạt động có tính tập trung hơn, có tính nhân văn cao, có tầm quốc gia và quốc tế, có sức hiệu triệu, truyền cảm hứng lớn, lay động lòng người mạnh mẽ hơn, tương xứng với vai trò, vị thế của mảnh đất Quảng Trị, đó là Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị.

Nói đến hòa bình là nói đến chân lý thiêng liêng, nói đến giá trị phổ quát toàn nhân loại. Chính vì thế mà bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại vườn hoa Ba Đình đã nêu rõ mọi người sinh ra được tạo hóa dành cho “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, điều này được nêu trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Quyền được sống, tức là quyền được có hòa bình là quyền của tự nhiên, quyền của tạo hóa. Chiến tranh xâm lược là phản tự nhiên, là trái luật tạo hóa. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh liên miên với bao núi xương, sông máu. Tổ chức Liên hợp quốc ra đời là để tránh cho nhân loại rơi vào thảm họa chiến tranh thế giới, là để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Ngày nay, đa phần nhân loại sống trong hòa bình nhưng tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn những bất trắc khó lường, hiểm họa khủng bố, xung đột sắc tộc, tranh chấp biển đảo, nguy cơ hạt nhân, nguy cơ chiến tranh công nghệ cao hủy diệt nhân loại… Cho nên, quyền sống trong hòa bình là quyền tự nhiên nhưng phải được gìn giữ, bảo vệ vững bền. Đề án tổ chức Festival “Vì Hòa bình” tại Quảng Trị được xây dựng là để góp tiếng nói xưng tụng, gìn giữ, bảo vệ những giá trị hòa bình mang lại.

Vậy vì sao Quảng Trị đề xướng tổ chức Festival “Vì Hòa bình” hay vì sao chọn Quảng Trị làm nơi tổ chức Festival “Vì Hòa bình” mà không phải là nơi nào khác, trong khi mọi miền quê trên đất nước Việt Nam đều góp công sức và cả máu xương để chiến đấu, bảo vệ hòa bình Tổ quốc? Sở dĩ chọn Quảng Trị là vì nhiều lẽ sau đây:

- Quảng Trị với vị trí địa lý đặc thù của mình là nơi có vai trò, vị thế quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mảnh đất này có tính chất địa-chính trị, địa-quân sự và ngày nay là địa-kinh tế của quốc gia rất rõ nét.

+ Quảng Trị từng 3 lần là thủ phủ của đất nước: Lần dựng nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát; lần dấy nghĩa Cần Vương tại Thành Tân Sở của vua Hàm Nghi và lần lập Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ. Trong 3 lần đó, lần của các chúa Nguyễn là trấn nhậm phên dậu, mở mang bờ cõi, thực thi chủ quyền biển đảo (lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải), các lần sau là đấu tranh chống ngoại xâm, giành lấy hòa bình.

+ Đường 9 là con đường có vị trí đặc biệt của quốc gia và khu vực.

Đó là con đường mang tính địa-chính trị, địa-quân sự. Chính vì thế mà tại Hội nghị Genève về Việt Nam năm 1954, theo chứng kiến của nhà báo Úc W.Burchett, khi chọn địa điểm để chia hai nước Việt Nam, đã có sự giằng co quyết liệt giữa các bên: Việt Nam đòi vĩ tuyến 13, Pháp đòi vĩ tuyến 18 và cuối cùng là vĩ tuyến 17. “Vấn đề vĩ tuyến 16 hoặc 17 là một vấn đề có tầm quan trọng mấu chốt. Quốc lộ 9 chạy giữa hai vĩ tuyến này, nối liền Lào với bờ biển Việt Nam… người Pháp làm tất cả để giữ con đường này” (1). Vị trí quan trọng, lợi hại của đường 9 về quân sự càng được thể hiện rõ trong kháng chiến chống Mỹ, khi cả nước dốc sức cho những chiến dịch lớn với chiến thắng vang dội: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971. Cần nhắc lại ở đây rằng, Mỹ đã từng định ném bom hạt nhân chiến thuật xuống Khe Sanh để giải vây cho lính Mỹ trên chiến trường Đường 9-Khe Sanh ác liệt. Theo Daniel Ellsberg, sĩ quan Lầu Năm Góc từng tham chiến ở Việt Nam cho biết: “Ngày 10 tháng Hai, tờ Bưu điện Washington trích lời phát biểu của tướng Wheeler trước một vài thượng nghị sĩ rằng Hội đồng Tham mưu sẽ khuyến nghị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu thấy việc này là cần thiết để bảo vệ năm nghìn lính thủy đánh bộ đang bị mắc kẹt tại cứ điểm Khe Sanh, mặc dù ông ta không cho rằng lực lượng tại đây sẽ yêu cầu giúp đỡ” (2). “Sau này Westmoreland viết trong hồi ký năm 1976 của ông ta rằng ông ta nhìn thấy nhiều mặt tích cực hơn của việc sử dụng vũ khí hạt nhân vào thời điểm đó tại khu vực xung quanh Khe Sanh, nơi “con số thương vong dân thường sẽ ở mức thấp nhất có thể”… Việc sử dụng một số vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ tại Việt Nam - hay thậm chí việc đe dọa sử dụng chúng - có thể nhanh chóng chấm dứt chiến tranh tại đây” (3). Dĩ nhiên, tính toán lợi hại, Mỹ đã phải dừng lại ý định “điên rồ” này. Điều đó cho thấy cái giá của hòa bình cho Việt Nam và cho cả nhân loại tại Quảng Trị quả thật vô song, có một không hai, vì nó xóa tan mọi mưu mô hạt nhân “điên rồ” từ trong trứng nước.

Đường 9 là con đường địa-kinh tế, vì sự thịnh vượng chung (thịnh vượng là cơ sở của nền hòa bình bền vững). Nơi đây có Hành lang Kinh tế Đông-Tây đi qua và có thêm vùng ảnh hưởng của nó là Hành lang Kinh tế song song với Hành lang Kinh tế Đông-Tây (nối La Lay với Mỹ Thủy). Dựa vào lợi thế đường 9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị “trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại và hiệu quả, có tầm cỡ trong khu vực Trung Bộ, quốc gia và khu vực ASEAN; là một cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía biển Đông của Việt Nam” (4).

- Quảng Trị thời chống Mỹ là địa bàn của những trận chiến, những quả đấm có tính chiến lược của Trung ương để giành lấy hòa bình. Ngoài Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971 như đã nêu trên, trận quyết tử 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị là để gây sức ép với đối phương, để tạo thế cho ta trên bàn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

- Quảng Trị là nơi trực tiếp chịu đựng nỗi đau chia cắt đất nước suốt gần 20 năm dằng dặc, vì thế là nơi hội tụ khát vọng hòa bình mãnh liệt của cả dân tộc và khát vọng đó đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc của nhân loại như nhà thơ Hy Lạp Menelaos Lountemis (1912-1977) đã viết: “Việt Nam… đất nước biếc xanh, Và dài như một chiếc đàn bầu, Mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang, Nơi cái lẫy đàn: sông Bến Hải”. Có người nói, đứt ở đâu thì nối lại ở đó. Đứt ở vĩ tuyến 17 thì nối nhịp cầu hòa bình ở vĩ tuyến 17.

- Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn làm lay động lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình như: Đường 9, Khe Sanh, Hiền Lương, Bến Hải, Vĩnh Mốc, Dốc Miếu, Hàng rào điện tử Mc Namara, Thành Cổ Quảng Trị… “Hậu” chiến tranh Việt Nam, nhân loại thấm thía hơn về nỗi đau chiến tranh và cái giá của hòa bình. Tháng 5/1978, ở Úc xuất hiện một bản nhạc rock mang tên “Khe Sanh” do nghệ sĩ dương cầm Don Walker sáng tác, kể về nỗi đắng cay mà lính Úc đã trải khi tham chiến ở Khe Sanh năm 1968. Năm 2001, bản nhạc này đã được các thành viên Hội Tác quyền trình diễn Úc xếp hạng thứ 8 trong số những bài hát Úc hay nhất mọi thời đại. Ngày 20/3/2001, Bưu chính Úc phát hành bộ tem “Rock Australia”, gồm 10 mẫu, giới thiệu 10 bản nhạc rock nổi tiếng, trong đó có bản “Khe Sanh”. Mẫu tem “Khe Sanh” in hình ảnh chiếc trực thăng đang bay trong chiến tranh Việt Nam và hai chữ “KHE SANH”.     

Như vậy, khi bàn về ý nghĩa, giá trị của Chân lý Hòa bình, Quảng Trị hội đủ những yếu tố vừa mang “tính Quảng Trị”, vừa mang tính dân tộc và tính nhân loại nên xứng đáng được chọn để tổ chức Festival “Vì Hòa bình”. Nhưng tổ chức như thế nào, chú trọng vào những nội dung gì và làm sao có nét đặc trưng riêng, không lẫn với nhiều Festival của các địa phương khác?

 

(*) Tựa do BBT đặt

 


Quang cảnh Hội thảo về Đề án Festival “Vì Hòa bình tại tỉnh Quảng Trị” do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vào ngày 27/12/2019. – Ảnh: T.T


Các đại biểu tham dự Hội thảo. - Ảnh: T.T​

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ