ODA-NGO

Bàn giải pháp thúc đấy giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019


Ngày cập nhật: 27/05/2019 7:53:57 SA

(Web Quảng Trị) Sáng 26/6/2019, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến “Thúc đấy giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019”. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đại diện các bộ ngành trung ương; các nhà tài trợ và 62 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.

 

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, ước lũy kế giải ngân vốn nước ngoài trong 6 tháng năm 2019, vốn cấp phát đầu tư phát triển giải ngân được 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao (7,16% kế hoạch vốn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao); chi thường xuyên giải ngân được 833 tỷ đồng, đạt 17,85% dự toán Quốc hội phê duyệt. Vốn cho vay lại của chính quyền địa phương giải ngân được khoảng 216 tỷ đồng, đạt 1,26% kế hoạch. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công giải ngân 7.664 tỷ đồng, đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại.

Nguyên nhân giải ngân chậm hiện nay là còn gặp vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, như bố trí thiếu so với nhu cầu (Hiện có 26 khoản vay, với tổng trị giá là 3,463 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay, có nhu cầu giải ngân nhưng chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020). Kế hoạch đầu tư công 2019 phân bổ chậm (chỉ tính riêng nhóm các dự án của 6 nhà tài trợ phát triển đã có trên 60 dự án chưa được bố trí đủ kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng nhu cầu, với nhu cầu vốn cần bổ sung là trên 34 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, còn có những vướng mắc về thủ tục đầu tư. Việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư của dự án thường kéo dài, trong một số trường hợp việc chuẩn bị đầu tư kéo dài dẫn đến thời gian triển khai dự án là không đủ và chủ dự án buộc phải làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Từ đầu năm đến nay, đã có 37 hiệp định vay đã phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ. Số dự án phải làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trong nửa đầu năm 2019 là 26 chương trình, dự án. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị với tổng vốn đã ký kết gần 4,5 tỷ USD, trong đó 4/7 dự án đang trong giai đoạn thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư. Những vướng mắc về thủ tục cho vay lại; thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn… cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019... Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong giải ngân rút vốn; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong thẩm định các chương trình, dự án vay về cho vay lại trong đó có chương trình, dự án của ngân sách địa phương; phối hợp chặt chẽ trong đàm phán ký kết các hiệp định vay cũng như các thủ tục điều chỉnh; thúc đẩy thực hiện dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân rút vốn như hầu hết các hiệp định hiện nay…

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ