Việt Nam

Đặc sắc Lễ cầu an của người Ba Na


Ngày cập nhật: 24/10/2023 7:51:40 SA

Với người Ba Na, Lễ cầu an hay còn gọi là Puh hơ drih là một trong những lễ hội quan trọng nhất từ xa xưa vẫn được người dân lưu truyền, gìn giữ cho đến nay. Lễ Cầu an được tổ chức với mục đích xua đuổi những điều xấu, dịch bệnh ra khỏi thôn làng và cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với cộng đồng. Lễ hội thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 11 - 12 hàng năm.

 

Trước khi tổ chức lễ hội, Già làng tổ chức cho dân trong buôn phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà Rông, bến nước, dọn vệ sinh các con đường trong buôn. Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân chuẩn bị 4 hình nộm người làm bằng các vật liệu, sản vật sẵn có trong tự nhiên hay từ những sản phẩm nông nghiệp. Tùy vào điều kiện kinh tế mà dân trong buôn cúng cho Yang (thần linh) những lễ vật hiến sinh phù hợp. Thông thường, lễ vật cúng thần của người Ba Na có thể là những con bò, heo, dê, gà… Tuy nhiên, những năm gần đây, bà con Ba Na thường chọn con dê làm con vật hiến sinh. Theo quan niệm của đồng bào, dê là con vật có râu, linh thiêng, là anh của các súc vật trong làng. Ngoài con dê thì cây nêu cũng là vật dụng không thể thiếu trong lễ cúng cầu an, đồng bào cho rằng cây nêu trên đỉnh có gắn biểu tượng con chim lạc là biểu hiện của hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

 

 

Nghi thức đuổi tà ma, thế lực xấu trong lễ cầu an - Ảnh: Internet

 

Vào ngày lễ hội, tất cả thành viên trong buôn đều tập trung trước nhà Rông để làm lễ cúng thần. Già làng là người chủ trì buổi lễ. Già làng cầm khiên, đao đi đầu, bên cạnh là một thanh niên đeo mặt nạ cầm mác; tiếp sau là 4 thanh niên mang theo hình nộm. Tiếp nữa là 2 thiếu nữ, mỗi người cầm cây lá đót. Cuối cùng là đội cồng chiêng và đi sau là toàn thể dân trong buôn. Giờ phút được chờ đợi nhất của lễ hội đó là lúc Già làng làm lễ cầu khấn các thần linh phù hộ, người dân làm các động tác hú gọi xua đuổi tà ma trong tiếng cồng chiêng nổi lên dồn dập. Việc xua đuổi những con ma xấu diễn ra cho đến khi đoàn người đi hết khắp buôn làng, đuổi dồn về cuối buôn. Lúc này, tất cả các đạo cụ như: Hình nộm, lá đót, mặt nạ… được dân làng bỏ lại, rồi đoàn người quay về tập trung tại nhà Rông. Ngay sau phần lễ, tất cả dân làng cùng đánh cồng chiêng với vũ điệu xoang truyền thống của người Ba Na, trình diễn trang phục cổ truyền, uống rượu cần, liên hoan ẩm thực và hát dân ca.

 

Lễ hội cầu an hiện nay vẫn được lưu giữ và bảo tồn. Lễ hội là dịp để đồng bào Ba Na, tỉnh Kon Tum giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, giáo dục con cháu bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung và góp phần quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước biết đến.

 

                                                                                        AN NHIÊN

 

 

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và phố cổ Hà Nội được công nhận là khu du lịch cấp thành phố (3/11/2023)
Hội An và Đà Lạt chính thức trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO (3/11/2023)
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành - vẻ đẹp văn hóa lịch sử lâu đời (27/10/2023)
Đến Hà Giang xem lễ hội “kéo chày” (24/10/2023)
Đặc sắc Lễ cầu an của người Ba Na (24/10/2023)
Tuần lễ Văn hóa du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ 2023 sẽ diễn ra vào tháng 11 (23/10/2023)
P'apiu resort (Hà Giang - Việt Nam) được vinh danh là khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu châu Á (23/10/2023)
Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam (23/10/2023)
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Đà Lạt (23/10/2023)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ