Việt Nam

Di sản mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)


Ngày cập nhật: 10/01/2023 4:44:46 CH

Ở Việt Nam, mộc bản là một loại hình văn bản đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa. Đây là những cổ vật được định bản trong bối cảnh văn hóa in ấn thời trung đại, đó là những ván khắc (âm bản) để in sách, từ các bộ sử quan phương của triều đình, kinh điển của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cho đến các tác phẩm in ấn mang tính thương mại để phục vụ nhu cầu xã hội. Các mộc bản chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa khoa cử, văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa làng xã và văn hóa cung đình...

 

Chùa Vĩnh Nghiêm còn được gọi là Chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, là nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, Chùa được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hiện ở Chùa Vĩnh Nghiên có 3050 ván mộc bản. Niên đại của kho mộc bản ở Chùa Vĩnh Nghiêm tương đối muộn hơn so với nhiều kho mộc bản khác hiện còn trong cả nước. Những mộc bản ở đây có thể sắp xếp thành những bộ sách có dung lượng dài ngắn khác nhau.

 

Những bản sách được in bằng mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Ảnh: B.B.T

 

Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn. Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.

 

Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, có nhiều tác phẩm văn học, các tài liệu giá trị về mỹ học, y học, quá trình giao thoa văn hóa... Kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm là bản nguyên gốc, còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản tốt theo phương pháp truyền thống của người Việt Nam, là tài sản quý hiếm đặc biệt. Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc sắc, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012.

 

Từ ngày 01 đến 06/02/2023, tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Lễ khai hội Xuân và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2023. Trong khuôn khổ của sự kiện sẽ diễn ra lễ rước bộ mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” lên chùa Thượng. Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Lễ rước có quy mô lớn với 108 xe ô tô tham gia gồm: Xe chở cờ hội và cờ Phật giáo (kết hợp phát loa nhạc lưu thuỷ), xe chở mâm lễ, xe chở tượng Tam tổ Trúc Lâm, xe chở mộc bản; xe chở tăng, ni, Phật tử. Bộ mộc bản “Cư trần lạc đạo phú” gồm 41 bản được sao chép, làm mới từ bộ gốc tại Chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) để chuyển lên Chùa Thượng thuộc Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Lễ rước mang ý nghĩa đề cao giá trị tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ.

 

                                                                             NHƯ QUỲNH

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và phố cổ Hà Nội được công nhận là khu du lịch cấp thành phố (3/11/2023)
Hội An và Đà Lạt chính thức trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO (3/11/2023)
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành - vẻ đẹp văn hóa lịch sử lâu đời (27/10/2023)
Đến Hà Giang xem lễ hội “kéo chày” (24/10/2023)
Đặc sắc Lễ cầu an của người Ba Na (24/10/2023)
Tuần lễ Văn hóa du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ 2023 sẽ diễn ra vào tháng 11 (23/10/2023)
P'apiu resort (Hà Giang - Việt Nam) được vinh danh là khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu châu Á (23/10/2023)
Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam (23/10/2023)
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Đà Lạt (23/10/2023)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ