Việt Nam

Livestream bán vải thiều Bắc Giang: Giải pháp thiết thực từ các sàn thương mại điện tử


Ngày cập nhật: 10/06/2021 9:37:03 SA

Những ngày này, có những hoạt động không cần tổ chức quy mô hoành tráng, lại đang góp phần lan tỏa tinh thần vì cộng đồng. Sự kiện 6 doanh nghiệp - 6 sàn thương mại điện tử lớn đồng loạt hỗ trợ bà con nông dân nơi tâm dịch Bắc Giang tiêu thụ vải thiều là ví dụ.

 

Trong vựa vải thiều của gia đình ở thôn Đoàn Kết, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, bà Đỗ Thị Vân giới thiệu về đặc sản quê hương đầy tự tin như bất kỳ streamer nào đang thực hiện các hoạt động mua-bán online trên nền tảng trực tuyến thịnh hành - facebook. Không cần 1 khung cảnh sắp đặt cùng vẻ bề ngoài hào nhoáng như các hoạt động livestream thường thấy, nông dân Đỗ Thị Vân xuất hiện thuần phác - đội nón lá, mặc đồ bảo hộ lao động và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi thăm vườn. 44 phút giới thiệu và chào bán vải thiều trên nền tảng thương mại điện tử thương hiệu Sen đỏ, bà Vân cùng bạn đồng hành đã hỗ trợ gia đình và nông dân hợp tác xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn chốt bán được 8 tấn vải thiều, cho hàng trăm đơn hàng, từ mọi miền đất nước.

“Bạn đồng hành” của bà Vân chính là người trong gia đình, được đội ngũ chuyên gia thuộc Sàn Thương mại điện tử Sendo đào tạo và phối hợp thực hiện vai trò của sàn, trong chuỗi hoạt động “6 Sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ vải thiều”.

Livestream bán vải thiều Bắc Giang: Giải pháp thiết thực từ các sàn thương mại điện tử

 Vải thiều Bắc Giang đang vào vụ thu hoạch. (Ảnh minh họa: KT)

“Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với bà con nông dân để bà con tiếp cận với công nghệ mới – công nghệ livestream. Bà con Bắc Giang trực tiếp live bán hàng để có thêm đầu ra cho nông sản. Thời gian đầu bà con rất e ngại vì thương mại điện tử còn mới mẻ, nhưng chúng tôi đã cử nhân viên xuống đến tận tỉnh, làm việc chặt chẽ với bà con về phương thức đóng gói, kết nối các đơn vị vận chuyển và cách đưa nông sản lên Sàn đảm bảo giữ độ tươi ngon nhất và giá tốt nhất đối với người mua”, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sendo cho biết.

Hoạt động thiết thực này cũng đã và đang được Sàn thương mại điện tử Vỏ sò thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) triển khai tích cực. Chỉ tính riêng trong ngày 6/6, Vỏ sò hỗ trợ 15 hộ nông dân Bắc Giang đưa sản phẩm lên Sàn, với gần 10.000 đơn hàng được chốt, tương đương 52 tấn vải được giao dịch. Đáng chú ý, ông Trần Trung Kiên – Giám đốc Sàn khẳng định, đây không phải lần đầu tiên Vỏ sò hỗ trợ bà con livestream bán hàng. Hoạt động này được tăng cường kể từ sau thành công của chuỗi chương trình hỗ trợ nông dân Hải Dương.

Theo ông Kiên, bà con nông dân lâu nay thường chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gia đình và thường quen cách bán hàng qua thương lái đặt hàng trước, đến thu gom. Sau khi thương lái thu gom, họ sẽ phân loại và bán theo giá khác nhau, gắn vào các thương hiệu khác nhau. Trong khi bà con nông dân bán với giá rẻ thì việc đó sẽ làm sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thì vai trò của bà con chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong chuỗi cung ứng.

“Chúng tôi phải đến tận địa phương, hướng dẫn bà con nông dân. Khi mình giúp bà con chuyển đổi số thì khó khăn là trở ngại về tâm lý vì khá lắt nhắt. Mình phải đồng hành, làm cũng bà con, để khi bà con thấy làm hiệu quả hơn, giá tốt hơn sẽ đầu tư nâng cao sản phẩm, chất lượng và thay đổi phương thức kinh doanh”, ông Trần Trung Kiên cho hay.

Đó chính là lí do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công thương xây dựng chương trình bài bản, có hệ thống, kêu gọi sự vào cuộc đồng loạt của 6 sàn - Sendo, Voso, Tiki, Lazada, Postmart và Shopee - nhằm hỗ trợ tối đa cho bà con nông dân, thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.

“Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc kết nối tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử - môi trường số là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, gúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tiếp tục triển khai mạnh mẽ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước: ngay sau chương trình ở Bắc Giang sẽ có chương trình kết nối đồng bộ và tương tự ở tỉnh Quảng Ninh, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm.

Như thông tin từ đại diện cơ quan quản lý, sự hợp tác của các sàn thương mại điện tử lần này đều trên tinh thần chung tay cùng Bắc Giang. Dù rất có thể 180.000 tấn vải thiều không được tiêu thụ hết sớm như kỳ vọng, nhưng sự góp sức đó chắc chắn giúp bà con nông dân trồng vải ở Bắc Giang bước qua niên vụ 2021 đầy khó khăn, trong sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp ngành thương mại điện tử. Quan trọng hơn cả, hoạt động này sẽ giúp bà con làm quen, thích ứng với phương thức kinh doanh mới, tranh thủ cơ hội thị trường, hướng  tới sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai./.

 

(Theo vietnam.vn, link nguồn: https://vietnam.vn/kinh-te/livestream-ban-vai-thieu-bac-giang-giai-phap-thiet-thuc-tu-cac-san-thuong-mai-dien-tu-20210608162034442.html)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và phố cổ Hà Nội được công nhận là khu du lịch cấp thành phố (3/11/2023)
Hội An và Đà Lạt chính thức trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO (3/11/2023)
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành - vẻ đẹp văn hóa lịch sử lâu đời (27/10/2023)
Đến Hà Giang xem lễ hội “kéo chày” (24/10/2023)
Đặc sắc Lễ cầu an của người Ba Na (24/10/2023)
Tuần lễ Văn hóa du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ 2023 sẽ diễn ra vào tháng 11 (23/10/2023)
P'apiu resort (Hà Giang - Việt Nam) được vinh danh là khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu châu Á (23/10/2023)
Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam (23/10/2023)
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Đà Lạt (23/10/2023)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ