Việt Nam

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn


Ngày cập nhật: 23/02/2017 8:54:32 SA

 

Mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta đề ra đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể, thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp…

 

Nhìn lại 15 năm qua, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan tỏa đạt 14% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng hiện nay ngành Du lịch của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…

Để đạt được mục tiêu đề ra của Đảng và Nhà nước ta về phát triển du lịch đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp theo tinh thần Chỉ thị 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đề ra như sau:

Trước hết, phải nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp; có cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu, tính chất của ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động theo cơ chế thị trường. Dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch.

Thứ ba, đổi mới cách thức, nội dung, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.

Thứ tư, có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống khách sạn. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; xử lý dứt điểm các tệ nạn đeo bám, ép khách, cướp giật; bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện…

Nguồn: (baoquangtri.vn)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và phố cổ Hà Nội được công nhận là khu du lịch cấp thành phố (3/11/2023)
Hội An và Đà Lạt chính thức trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO (3/11/2023)
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành - vẻ đẹp văn hóa lịch sử lâu đời (27/10/2023)
Đến Hà Giang xem lễ hội “kéo chày” (24/10/2023)
Đặc sắc Lễ cầu an của người Ba Na (24/10/2023)
Tuần lễ Văn hóa du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ 2023 sẽ diễn ra vào tháng 11 (23/10/2023)
P'apiu resort (Hà Giang - Việt Nam) được vinh danh là khu nghỉ dưỡng lãng mạn hàng đầu châu Á (23/10/2023)
Ngày hội Trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam (23/10/2023)
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Đà Lạt (23/10/2023)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ