Quảng Trị

Gặp gỡ Thái Lan - Mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực


Ngày cập nhật: 04/08/2023 4:16:06 CH

QTO - Sáng nay 4/8, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”. Dự hội nghị có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura; Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP. Hồ Chí Minh Wiraka Moodhitaporn; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ; UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị; đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng Thái Lan; đại diện lãnh đạo các tỉnh Mukdahan, Ubon Ratchathani; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam và Quảng Trị.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” - Ảnh: T.T

 

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Trần Tuyền

 

Cơ hội quảng bá và xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Thái Lan và tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác Thái Lan trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan (2013-2023). Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các địa phương Thái Lan với các địa phương Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

 

Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam và được đăng cai tổ chức tại tỉnh Quảng Trị là cơ hội quảng bá và xúc tiến đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của Thái Lan vào Việt Nam và tỉnh Quảng Trị.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phát biểu chào mừng tại hội nghị - Ảnh: T.T

 

Khẳng định mối quan hệ gần gũi và gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan nói chung, Quảng Trị và Thái Lan nói riêng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) trong thời gian qua phát triển tốt đẹp. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch diễn ra khá sôi động.

 

Hằng năm, tỉnh Quảng Trị tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tại Thái Lan. Phối hợp với các tỉnh Thái Lan tổ chức Diễn đàn hợp tác Hành lang kinh tế Đông - Tây, luân phiên tổ chức hội nghị hợp tác về lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông 3 tỉnh 3 nước Quảng Trị (Việt Nam) - Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào). Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 7 dự án đầu tư của nhà đầu tư Thái Lan với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD.

 

Trong quan hệ cấp địa phương, Quảng Trị chú trọng đến việc mở rộng liên kết vùng để phát huy lợi thế của các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (PARA EWWEC) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.

 

Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Mukdahan đã có gần 20 năm thiết lập quan hệ hữu nghị và mối quan hệ này ngày càng được tăng cường, củng cố, mở rộng và đi vào chiều sâu. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani sẽ ký kết Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị, mở ra cơ hội và bước phát triển mới.

 

Cho đến nay, đã có hàng trăm học sinh, sinh viên Quảng Trị đã và đang theo học tại các trường đại học ở Thái Lan, đặc biệt là các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, đây là nguồn lực quan trọng cho việc kết nối và hiện thực các quan hệ hữu nghị, mong muốn hợp tác đầu tư giữa Quảng Trị và các đối tác Thái Lan trong tương lai.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tại Quảng Trị sẽ là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các cơ hội, định hướng và giải pháp đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Chúng ta kỳ vọng rằng với thế mạnh và kinh nghiệm về công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp Thái Lan, khi kết hợp với các lợi thế của các địa phương Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả đôi bên.

 

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Thái Lan đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh. Trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực mà Thái Lan có thế mạnh như: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải...”.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trần Tuyền

 

Tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược “3 kết nối” Việt Nam - Thái Lan

 

Đây là khẳng định của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura về Chương trình "Gặp gỡ Thái Lan” được tổ chức lần này, đúng vào thời điểm quan trọng nhân dịp kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Thái Lan và Việt Nam.

 

Sự kiện này được diễn ra phù hợp với chiến lược “3 kết nối” mà các nhà lãnh đạo cấp cao của cả 2 nước cùng thống nhất nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác kinh tế chiến lược Thái Lan - Việt Nam gồm các lĩnh vực: Kết nối chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp hỗ trợ lẫn nhau; Kết nối nền kinh tế cơ sở, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ với địa phương; Kết nối chiến lược phát triển bền vững giữa các chính sách kinh tế sinh học - kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam.

 

Mặc dù được tổ chức lần đầu tiên nhưng ​Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” đã nhận được sự quan tâm tham gia của hơn 400 đại biểu cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân của Thái Lan và Việt Nam.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura nhấn mạnh: “​Hiện nay, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 9 tại Việt Nam và là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại ASEAN. Điểm nổi bật của nhà đầu tư Thái Lan chính là “những nhà đầu tư chất lượng”, luôn coi trọng công việc kinh doanh đi cùng với trách nhiệm và sự phát triển bền vững của địa phương và cộng đồng nơi Thái Lan đến đầu tư.

 

Qua hai phiên thảo luận tại chương trình, chúng tôi hy vọng các ý kiến sẽ được cụ thể hóa nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của cả hai đất nước và sự lớn mạnh của Tiểu vùng sông Mê Kông nói chung”.

 

Các đại biểu thảo luận, trao đổi tại phiên thứ 2 - Ảnh: Trần Tuyền

 

Trao đổi, thảo luận về các cơ hội, định hướng và giải pháp đẩy mạnh hợp tác đầu tư

 

Tại chương trình đã diễn ra hai phiên thảo luận quan trọng về các nội dung: Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao; Hành lang kinh tế Đông Tây - Thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng.

 

Hai phiên thảo luận với sự tham gia của các diễn giả gồm: Bà Karittiya Petsee, Chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách và kế hoạch, Bộ Năng lượng Thái Lan; ông Somkiet Pongpiyapaiboon, Giám đốc quốc gia, B.Grimm Power Việt Nam; ông Wichan Chummanya, Tập đoàn CP Việt Nam; bà Somhatai Panichewa, Tập đoàn Amata Việt Nam; Tiến sĩ Boonsub Panichakarn, Đại học Naresuan kiêm Chủ tịch Mạng lưới học thuật về logistics ASSEA; ông Worawut Smuthkakin, Bộ Ngoại giao Thái Lan; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.

 

Phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các diễn giả. Tại Việt Nam, những năm gần đây đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện gió, điện mặt trời, sinh khối…Đây cũng là vấn đề mà các nhà đầu tư Thái Lan rất quan tâm và nhận thấy cơ hội đầu tư lớn.

 

Hiện các doanh nghiệp Thái Lan đang chờ chính sách xây dựng khung giá phát điện điện mặt trời, điện gió cũng như thực hiện các điều khoản trong hợp đồng mua bán điện để tiếp tục đàm phán.

 

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đại diện các tỉnh Điện Biên, Nghệ An đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội hợp tác đầu tư, chính sách ưu đãi của địa phương để các nhà đầu tư Thái Lan tìm hiểu.

 

Thảo luận về giải pháp thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng, bà Somhatai Panichewa, Tập đoàn Amata Việt Nam cho rằng, hạ tầng thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ là vấn đề cấp thiết hiện nay khi triển khai thực hiện. “Chúng tôi xây dựng chuỗi cung ứng lớn, trong đó chú trọng các vấn đề về logistic, cơ sở hạ tầng, tạo ra những mắt xích quan trọng hỗ trợ chuỗi cung ứng này đạt được những thành công và duy trì bền vững mà không làm ảnh hưởng đến môi trường”, bà Somhatai Panichewa chia sẻ.

 

Bày tỏ quan điểm về vai trò của logistic và chuỗi cung ứng, Tiến sĩ Boonsub Panichakarn, Đại học Naresuan kiêm Chủ tịch Mạng lưới học thuật về logistics ASSEA cho rằng, nhìn từ góc độ cộng đồng, khi thực hiện kết nối thì cần phải đề ra những quy ước. “Thực tế việc xâu chuỗi hỗ trợ phát triển giữa các nước trong cộng đồng ASEAN vẫn còn thiếu thông tin chung, thiếu nguồn giá trị gia tăng, thiếu sự liên kết. Do đó muốn tăng sự kết nối thì cần giải quyết các vấn đề mấu chốt này để tìm được tiếng nói chung, cùng nhau phát triển”.

 

Chia sẻ về mối liên kết hợp tác phát triển của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, ông Worawut Smuthkakin, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, hiện có khoảng 83 dự án ưu tiên cho các nước thành viên. Hiện nay đã có nhiều cuộc trao đổi, gặp gỡ để phát triển, mở rộng đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam thăm các gian hàng trưng bày tại hội nghị của doanh nghiệp Thái Lan - Ảnh: T.T

 

Thúc đẩy Việt Nam trở thành mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Thái Lan

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura cảm ơn các đại biểu đã chia sẻ những ý kiến rất sáng tạo và bổ ích cả ở chủ đề năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao; cùng với định hướng cụ thể trong việc thúc đẩy hội nhập chuỗi cung ứng qua khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây. Từ đó góp phần nâng cao vai trò của Thái Lan và Việt Nam trong các khung hợp tác của Tiểu vùng sông Mê Kông và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

 

Đại sứ tin tưởng rằng Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ nhất sẽ là bước đi quan trọng để tăng cường sự kết nối giữa Thái Lan và Việt Nam trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện cho cả 2 nước có thể đạt được mục tiêu thương mại 25 tỉ đôla Mỹ trong năm 2025 và đưa Thái Lan trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 5 tại Việt Nam trong tương lai gần.

 

Đại sứ bày tỏ mong muốn vào năm 2024, trong khuôn khổ khung chương trình kỷ niệm 5 năm thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững giữa Thái Lan và Việt Nam, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức chương trình “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ 2 cùng với Bộ Ngoại giao Việt Nam tại các tỉnh thành có tiềm năng lớn như tỉnh Quảng Trị. Tận dụng và tiếp nối các thoả thuận về thành phố kết nghĩa của 19 cặp tỉnh thành để thúc đẩy hơn nữa chính sách 3 kết nối trên phạm vi rộng hơn.

 

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kết nối làm việc với Đoàn công tác Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura - Ảnh: T.T

 

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc tăng cường hợp tác về chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là vấn đề cần đẩy mạnh hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam. Từ khi xảy ra COVID - 19, việc tăng cường xây dựng các tuyến huyết mạch trong khối ASEAN để trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên cấp thiết.

 

Trước mắt, cần triển khai các hoạt động thúc đẩy Việt Nam trở thành mắt xích trọng yếu trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt ở lĩnh sản xuất thực phẩm, hàng nông sản, dệt may, vật liệu điện tử, hóa chất nhằm đảm bảo sản xuất ổn định và bền vững, vì lợi ích của cả hai bên.

 

Các ý kiến tại hội nghị sẽ được ban thư ký tập hợp thành báo cáo chi tiết làm tài liệu cơ sở cho việc thúc đẩy các sáng kiến, chương trình hoạt động hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”, chiều cùng ngày, các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam và Thái Lan đã chủ động gặp gỡ, kết nối theo hình thức trực tiếp, trực tuyến để đi đến hợp tác trên các lĩnh vực.

 

Theo baoquangtri,vn

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại TP. Changwon - Hàn Quốc (23/4/2024)
Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (16/4/2024)
Đoàn sinh viên Lào tại Trường CĐSP Quảng Trị tham quan Trung tâm IOC tỉnh (2/4/2024)
Triển khai thi công Cảng nước sâu Mỹ Thủy (25/3/2024)
Hội đàm cấp cao hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (22/3/2024)
Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực (19/3/2024)
Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị (22/1/2024)
Trao giải cho 12 sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Quảng Trị (11/1/2024)
Dấu ấn công tác thông tin đối ngoại năm 2023 (19/3/2024)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ