Quảng Trị

Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 2: Gỡ khó cho các dự án điện gió


Ngày cập nhật: 10/06/2021 9:26:26 SA

> Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 1: Khi điện gió về bản

 

>> Quảng Trị từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bài 3: Kỳ vọng vào ngành công nghiệp năng lượng

 

Qua báo cáo của nhà đầu tư và tình hình thực tế, có 16 dự án điện gió với tổng công suất 632 MW sẽ hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 1/11/2021. Để các dự án điện gió ở miền Tây Quảng Trị bảo đảm hòa lưới điện quốc gia trước mốc thời gian trên nhằm hưởng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện gió của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ nhà đầu tư mà cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đẩy nhanh tiến độ về đích theo đúng dự kiến.

 

Nỗ lực trong giải phóng mặt bằng

 

Xã Hướng Tân có 828 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó 90% hộ dân có liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án điện gió. Ngoài 2 dự án trực tiếp thi công trên địa bàn là Nhà máy điện gió Hướng Tân và Tân Linh, còn rất nhiều dự án điện gió khác ở các xã Hướng Phùng, Hướng Linh đều có đường dây truyền tải điện đi qua xã này. Với áp lực về tiến độ hoàn thành các dự án của nhà đầu tư, trong suốt thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác vận động người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

 

Giải phóng mặt bằng thi công đoạn đường từ Quốc lộ 9 vào bản Cheng, xã Tân Liên để vận chuyển thiết bị điện gió - Ảnh: M.L

 

Hành lang lưới điện của một số dự án điện gió đi qua “rừng ma” thôn Trằm, nơi có phần mộ của 13 hộ dân xã Hướng Tân đã có lúc trở thành “điểm nóng” vì doanh nghiệp và người dân không tìm được tiếng nói chung. Sau rất nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Hướng Hóa, trong đó có vai trò rất quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và người có uy tín ở xã Hướng Tân, đến nay đã có 11/13 hộ dân đồng ý phương án hỗ trợ của nhà đầu tư, các hộ còn lại vẫn đang được cán bộ địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động. Bí thư Đảng ủy xã Hướng Tân Lê Thị Hội chia sẻ: “Rừng ma” liên quan đến vấn đề tâm linh của người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nên quá trình vận động người dân, chúng tôi vừa giải thích để doanh nghiệp tôn trọng truyền thống tín ngưỡng của người dân, vừa thuyết phục để người dân thống nhất quan điểm giao đất cho doanh nghiệp. Trên thực tế, diện tích đất nằm trong khu vực này không phải áp theo mức giá bồi thường thiệt hại để GPMB giao đất mà nhà đầu tư hỗ trợ người dân khi đường dây điện đi qua làm hạn chế công năng sử dụng đất, vì thế mức giá đưa ra phải đảm bảo lợi ích của cả hai bên. Cái khó ở chỗ, trước đó doanh nghiệp tự thỏa thuận mức giá hỗ trợ GPMB với các mức không đồng đều giữa các hộ gia đình, dẫn đến tình trạng so sánh lẫn nhau và càng về sau người dân càng có tâm lý đòi hỗ trợ cao hơn. Đến khi một số hộ đưa mức giá quá cao để cúng theo phong tục thì nhà đầu tư mới nhờ đến chính quyền can thiệp, điều này tạo thêm áp lực cho địa phương. Đã có thời điểm xã kiến nghị huyện tính đến phương án cho nhà đầu tư khảo sát để đưa đường dây truyền tải điện đi vòng qua “rừng ma”. Nhưng sau đó nhờ cán bộ, đảng viên tích cực thuyết phục gia đình, người thân chấp hành trước để làm gương nên dần dần đã vận động được nhiều hộ đồng thuận”.

 

Già làng thôn Trằm Hồ Thanh Tam (81 tuổi) là người có uy tín ở xã Hướng Tân. Trong quá trình vận động, ông không chỉ tổ chức nhiều cuộc họp với người dân trong thôn để thuyết phục mà còn đi từng hộ để phân tích, giải thích cho người dân hiểu. Hộ gia đình ông Tam chọn để vận động đầu tiên là người bà con của mình. Quan điểm được ông Tam chia sẻ để vận động người dân là: “Vấn đề tâm linh của bà con cần được tôn trọng nhưng việc đòi hỏi một mức giá quá cao để cúng phong tục là điều không nên. Nói gì thì nói, chúng ta phải giải quyết chuyện này một cách có tình, có lý để tránh lãng phí”.

 

  Để thúc đẩy phát triển điện gió, ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó, các dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 sẽ được hưởng mức giá ưu đãi và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Cũng liên quan đến công tác GPMB, ông Nguyễn Văn Đoán, Giám đốc dự án Nhà máy điện gió AMACCAO Quảng Trị 1, cho biết: “Theo kế hoạch, thiết bị của công trình điện gió sẽ được vận chuyển về trong tháng 6/2021 nhưng hiện nay việc mở rộng, cải tạo tuyến đường vận chuyển thiết bị dài 4 km từ Quốc lộ 9 nối vào công trình, đoạn qua bản Cheng, xã Tân Liên hiện gặp rất nhiều khó khăn do vướng GPMB. Với các địa điểm thi công phần trụ móng tua bin, dù đã đạt 90% diện tích GPMB nhưng phần còn lại cũng gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân đòi bồi thường với giá cao mà không có cơ sở như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng một thửa đất có nhiều chủ sử dụng nhưng không có giấy tờ chứng minh…

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, một trong những khó khăn của các chủ đầu tư dự án điện gió trên địa bàn đó là vấn đề quy chủ để hỗ trợ bồi thường GPMB. Do tập quán sản xuất còn lạc hậu nên nhiều người không phân định diện tích đất được giao là bao nhiêu, tình trạng chồng lấn đất hay đất của người này nhưng tài sản trên đất của người khác là khá phổ biến... dẫn đến giải quyết bồi thường rất khó. Thời gian tới, huyện Hướng Hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm mềm dẻo, linh hoạt để tạo sự đồng thuận trong dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề quy chủ để hỗ trợ, bồi thường GPMB.

 

Trước những vướng mắc của các dự án điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hoá đến thời điểm hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và Tổ tham mưu công tác GPMB của huyện và các xã tập trung rà soát cụ thể từng dự án có ảnh hưởng đến đất của các hộ dân để có cách giải quyết đúng theo quy định với quan điểm đất phải có quy chủ rõ ràng, cần tập trung hoàn thiện các thủ tục quy chủ; đối với đất chưa quy chủ cần phải tập trung tuyên truyền, giải thích để người dân được rõ. Đối với các nhà đầu tư điện gió trên địa bàn cần tuân thủ và có sự thống nhất với chính quyền địa phương về việc hỗ trợ, bồi thường các hộ dân bị ảnh hưởng, khi muốn hỗ trợ, bồi thường cao hơn phải có lý do cụ thể, tránh tình trạng tùy tiện tạo sự so bì gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động. Ngoài Tổ tham mưu công tác GPMB của huyện cần thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự cho các dự án thi công.

 

Giải bài toán “thừa điện thiếu đường dây”

 

Trong khi chủ đầu tư các dự án điện gió ở Quảng Trị đang đẩy nhanh tiến độ thi công để về đích thì tỉnh và ngành điện lực cũng chạy đua từng ngày để hoàn thành hạ tầng truyền tải điện, một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo đấu nối cho các nhà máy điện gió miền Tây Quảng Trị có thể hòa lưới điện đúng tiến độ.

 

Thi công trụ móng công trình điện gió - Ảnh: M.L

 

Theo phân tích của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải, để tăng cường năng lực lưới điện, phục vụ truyền tải các nhà máy điện gió khu vực Tây Quảng Trị, EVN đã chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Trung tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án: Trạm biến áp 220kV Lao Bảo (2x250MVA) và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo (mạch kép dây phân pha ACSR-2x400), khả năng tải 2 mạch đường dây xấp xỉ 1.000MW; đường dây 110kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo (đang nâng dây dẫn AC-185 thành dây phân pha AC-2x185), khả năng tải xấp xỉ 300MW. Với tiến độ dự kiến các nguồn điện gió tại Quảng Trị hiện nay, trong năm 2021, nếu Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo đưa vào vận hành sẽ đảm bảo đấu nối, giải tỏa công suất các nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau năm 2021, xét toàn bộ các nguồn năng lượng tái tạo và thủy điện đã có quy hoạch vào vận hành (1.440MW) sẽ xuất hiện quá tải lưới điện 220kV/110kV nội vùng. Đồng thời do tỉ lệ thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo hiện nay lên đến 25% công suất của hệ thống và đã xảy ra quá giới hạn truyền tải cung đoạn 500kV dẫn đến tại một số thời điểm EVN đã phải thực hiện việc cắt giảm công suất nguồn để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện.

 

Giải bài toán “thừa điện thiếu đường dây”, giữa tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thi công Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; dự án nâng cấp đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo. Ngay sau hội nghị, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh phối hợp với các huyện nằm trong vùng thực hiện dự án gồm Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và Triệu Phong tháo gỡ các vướng mắc trong GPMB như hoàn chỉnh hồ sơ quy chủ sử dụng đất để có phương án bồi thường, hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất trên toàn tuyến, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ cho các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, trường hợp không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế theo quy định, đảm bảo bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng 6/2021.

 

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cam kết cùng tỉnh Quảng Trị hoàn thành đường dây truyền tải điện, giải quyết nỗi lo cho các nhà đầu tư điện gió trước tháng 10/2021. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện gió vùng Tây Quảng Trị hòa lưới điện, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực, kể cả làm thêm ngoài giờ và các ngày nghỉ lễ, cuối tuần cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính ký số điện tử trên nền tảng E-office, SMOV web… để kịp thời hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư triển khai đấu nối lưới điện, kết nối hệ thống, thống nhất kế hoạch và chương trình thử nghiệm, chạy tin cậy, phối hợp với chủ đầu tư thu thập đủ hồ sơ theo quy định để công nhận ngày vận hành COD cho dự án.

 

Mặc dù địa phương đã có những nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên đến nay nhiều dự án điện gió sẽ không kịp tiến độ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số dự án đã khởi công nhưng chưa thể xây dựng, các hãng sản xuất tua bin ngừng sản xuất, chậm giao hàng, nhà thầu đình trệ, chưa kể giá thành đội lên rất nhiều do thiết bị, vật tư đều tăng giá… Vì thế, nguyện vọng của các chủ đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh là mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn thời gian hưởng mức giá ưu đãi đối với các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bởi nếu dự án vẫn triển khai song không về đích trước ngày 1/11/2021 sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế cho nhà đầu tư.

 

(Theo baoquangtri.vn, link nguồn: http://baoquangtri.vn/Kinh-te/modid/419/ItemID/158142/title/Quang-Tri-tung-buoc-hien-thuc-hoa-khat-vong-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-cua-mien-Trung-Bai-2-Go-kho-cho-cac-du-an-dien-gio)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Triển khai thi công Cảng nước sâu Mỹ Thủy (25/3/2024)
Hội đàm cấp cao hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (22/3/2024)
Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực (19/3/2024)
Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị (22/1/2024)
Trao giải cho 12 sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Quảng Trị (11/1/2024)
Dấu ấn công tác thông tin đối ngoại năm 2023 (19/3/2024)
Khởi động Dự án Cảng hàng không Quảng Trị (18/12/2023)
Khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (18/12/2023)
Quảng Trị: Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức tại Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 (13/12/2023)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ