Quảng Trị

Phát triển kinh tế biển từ những nghị quyết của Đảng. Bài 1: Hiệu quả từ những chủ trương sát đúng


Ngày cập nhật: 11/06/2021 10:02:37 SA

Tỉnh Quảng Trị có chiều dài bờ biển gần 75 km, với nhiều bãi tắm đẹp, ngư trường rộng gần 8.400 km2 , trữ lượng thủy sản khoảng 60.000 tấn/năm… Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng biển bằng những nghị quyết phù hợp với thực tiễn từng địa phương, mang lại hiệu quả tích cực. Có ngư trường đánh bắt rộng lớn, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, có nhiều xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, những năm qua huyện Triệu Phong và Hải Lăng đã đưa việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển vào nghị quyết của cấp ủy. Qua triển khai thực hiện, vùng ven biển các địa phương này có bước phát triển đáng kể về kinh tế - xã hội.

 

Tập trung xây dựng, phát triển kinh tế biển

 

Xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) được biết đến với bãi tắm Nhật Tân hoang sơ và nước mắm Gia Đẳng thơm ngon nức tiếng. Những ngày đầu năm 2021, người dân xã Triệu Lăng nói chung và làng Gia Đẳng nói riêng rất phấn khởi vì sản phẩm nước mắm Gia Đẳng đặc biệt của cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang nơi xóm biển, anh Đoàn Văn Lương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long (tiền thân là cơ sở sản xuất nước mắm Hiền Xảo) cho hay: “Làm nước mắm là nghề truyền thống có từ xa xưa của người dân làng Gia Đẳng (gồm có 3 thôn). Thuở trước, mẹ tôi làm nước mắm quy mô hộ gia đình, sau đó xây dựng nên cơ sở sản xuất nước mắm Hiền Xảo. Năm 2011, mẹ tôi đăng ký kinh doanh và 1 năm sau thì đăng ký thành công thương hiệu, nhãn mác nước mắm Gia Đẳng. Nay, tôi đảm nhận cơ sở và lấy tên là Hải Long”. Hiện nay, cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long cung ứng ra thị trường 4 loại sản phẩm gồm: Nước mắm Gia Đẳng đặc biệt, nước mắm loại 2, mắm nêm và ruốc. Trung bình mỗi năm, cơ sở Hải Long sản xuất được khoảng 30.000 lít nước mắm các loại, 3.000 lít mắm nêm, 3 tấn ruốc… Sản phẩm nước mắm Gia Đẳng có mặt tại thị trường Hà Nội, Quảng Bình và các siêu thị, cửa hàng có uy tín trong tỉnh. Trong quá trình xây dựng và phát triển, cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long được chính quyền địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ về nhiều mặt.

 

Ngư dân xã Triệu Lăng trở về từ chuyến biển - Ảnh: T.T

 

Triệu Lăng là xã bãi ngang có 1.376 hộ, 5.487 nhân khẩu. Toàn xã hiện có 322 thuyền máy từ 9 - 20 CV, 16 thuyền chèo đánh bắt gần bờ. Bí thư Đảng ủy xã Triệu Lăng Lê Xuân Lộc cho biết: “Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, đa dạng hóa ngành nghề đánh bắt thủy sản nên ngư dân trong xã có thể ra khơi quanh năm, không bị động, phụ thuộc vào thời tiết như trước. Trong năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy sản toàn xã đạt 1.115 tấn, tổng giá trị đạt trên 65,7 tỉ đồng. Toàn xã hiện có trên 72 ha nuôi tôm thẻ chân trắng gần bờ biển với sản lượng hằng năm khoảng 1.609 tấn, doanh thu đạt trên 165,2 tỉ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho trên 350 lao động. Xã có làng Gia Đẳng chuyên làm nghề nước mắm truyền thống với trên 20 hộ sản xuất. Ngoài ra, xã còn có 2 cơ sở sản xuất nước mắm với quy mô lớn và 184 hộ gia đình chế biến nước mắm truyền thống. Vừa qua, UBND xã phối hợp tổ chức đấu giá 20 lô quầy tại bãi tắm Nhật Tân. Hiện, đã có 16 lô quầy đi vào hoạt động. Lượng khách đến với bãi tắm ngày một nhiều…”.

 

Để có được những kết quả trên, sau khi Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong khóa XIX ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về khai thác tiềm năng, lợi thế vùng ven biển giai đoạn 2017 - 2020 (Nghị quyết 05), Đảng ủy xã Triệu Lăng xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Hằng năm, đảng ủy xã tổ chức kiểm tra, giám sát các chi bộ về hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 05. Nhờ đó, nghị quyết này đã thực sự đi vào cuộc sống. Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong xã ngày càng tăng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,3 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 50 hộ, chiếm 4,21%.

 

Vùng biển của huyện Triệu Phong có 3 xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An với đường bờ biển dài 18 km. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển vùng ven biển, đồng thời, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng, Nghị quyết 05 đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Diện tích gieo trồng hằng năm đạt 752 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 400 ha, sản lượng từ 1.600 - 1.800 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 4.200 - 4.300 tấn; sản lượng chế biến chiếm 35 - 40% sản lượng khai thác; tạo việc làm mới cho 1.000 -1.200 lao động, đào tạo nghề cho 200 - 300 lao động; thu nhập bình quân đầu người từ 35 - 40 triệu đồng/năm… Để thực hiện hiệu quả những chỉ tiêu đã đặt ra, Huyện ủy Triệu Phong xác định 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, đồng thời giao cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể tích cực vào cuộc thực hiện.

 

Bên cạnh chú trọng cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để đa dạng hóa ngành nghề đánh bắt, người dân ven biển Triệu Phong đã tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ để nuôi tôm cao triều vùng bãi ngang, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm 2 giai đoạn. Toàn huyện hiện có diện tích nuôi tôm khoảng 887 ha, sản lượng đạt 2.825 tấn/năm; diện tích nuôi cá nước ngọt khoảng 307 ha, sản lượng đạt khoảng 400 tấn/năm; sản lượng khai thác thủy hải sản hằng năm khoảng 3.400 tấn. Giá trị sản xuất ngành ngư nghiệp năm 2020 đạt 269,7 tỉ đồng. Qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Triệu Phong, kinh tế những năm qua liên tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 11,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng, tăng 2,14 lần so với năm 2015.

 

Bí thư Huyện ủy Triệu Phong Trần Xuân Anh cho hay: “Nhiều năm trước, kinh tế biển của huyện vẫn chưa phát triển tương xứng. Ngay sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, các tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng chương trình hành động thực hiện phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc nhanh chóng được tháo gỡ nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy và tinh thần đồng thuận của Nhân dân. Nhờ vậy, kinh tế vùng biển nói riêng và nền kinh tế toàn huyện nói chung có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Đặc biệt, người dân đã thay đổi nhận thức, chung tay với cấp ủy, chính quyền để xây dựng, phát triển kinh tế biển. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các ngành nghề truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vận động người dân xây dựng các mô hình nuôi tôm thương phẩm, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế ngành nông nghiệp. Mở rộng diện tích các loại cây trồng thích hợp, khôi phục và trồng rừng phòng hộ”.

 

Đa dạng ngành nghề, dịch vụ

 

Hải An là một xã biển bãi ngang của huyện Hải Lăng, nằm ở khu vực trung tâm Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị, nơi đang tập trung triển khai, thu hút nhiều dự án về cảng biển, năng lượng, hạ tầng phục vụ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ… Những năm qua, công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển kinh tế biển được cấp ủy, chính quyền, mặt trận và đoàn thể xã Hải An triển khai kịp thời. Nhờ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế.

 

Gấp rút hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị - Ảnh: T.T

 

Chủ tịch UBND xã Hải An Lê Bá Phước cho hay, năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn xã đạt trên 2.511 tấn. Hiện nay, công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển được quan tâm, tạo môi trường thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ tốt cho sản xuất, chế biến thủy hải sản. “Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác, phát triển kinh tế biển trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Trước thực tế này, xã Hải An đã xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nội dung của nghị quyết đại hội đảng các cấp. Từ đó, xác định rõ nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng/năm. Địa phương đặt ra mục tiêu năm 2021 sẽ nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng, sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt trên 3.000 tấn. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích người dân đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư trên địa bàn, từ đó có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập”, ông Phước thông tin.

 

Huyện Hải Lăng có 2 xã ven biển là Hải An và Hải Khê với dân số 7.033 người, diện tích 19,650 km2 . Năm 2020, giá trị sản xuất của 2 xã đạt 650,4 tỉ đồng, chiếm 10,66% trong tổng giá trị của nền kinh tế huyện, tăng 22,97 % so với năm 2015. Tại 2 xã hiện có 11 mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn với diện tích 11 ha, sản lượng 30 tấn/ha, giá trị mang lại bình quân đạt 4,8 tỉ đồng/ha. Năm 2020, sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản vùng biển của huyện đạt hơn 5.000 tấn, tăng 1.800 tấn so với năm 2015. Các nghề trên bờ như nuôi tôm, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cũng phát triển mạnh.

 

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết: “Thời gian qua, cơ sở hạ tầng vùng biển đã được huyện đầu tư xây dựng cơ bản với tổng số vốn trên 500 tỉ đồng. Tại KKT Đông Nam Quảng Trị đã có hơn 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số vốn 73.000 tỉ đồng. Nhìn chung, đời sống Nhân dân vùng biển những năm gần đây ngày càng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người 2 xã đạt 51,02 triệu đồng/ năm, nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của huyện 2,86 triệu đồng. Thực tế cho thấy, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế vùng biển của Hải Lăng là khá cao, tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn chưa tương xứng. Vì vậy, trong những năm tới huyện tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình hành động của trung ương, tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng nhiệm kỳ 2020 - 2025 để phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng biển”.

 

Theo đó, Hải Lăng định hướng phát triển 2 xã biển trở thành khu vực phát triển năng động của tỉnh. Tập trung phát triển đa dạng ngành nghề, dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phối hợp với các ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị. Để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển hiệu quả, huyện Hải Lăng tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khảo sát, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và 2 xã biển trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tới một cách hợp lý, gắn với định hướng phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị. Phối hợp triển khai đầu tư xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và vùng biển nói riêng. Chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành kinh tế biển nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu và chiều rộng. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, đón đầu khi các ngành công nghiệp đầu tư trên địa bàn vùng biển đi vào hoạt động.

 

Trần Tuyền

 

Bài 2: Kinh tế biển, động lực phát triển

(Theo baoquangtri.vn  link: http://baoquangtri.vn/Chinh-tri/modid/415/ItemID/158200/title/Phat-trien-kinh-te-bien-tu-nhung-nghi-quyet-cua-Dang-Bai-1-Hieu-qua-tu-nhung-chu-truong-sat-dung)

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư tại TP. Changwon - Hàn Quốc (23/4/2024)
Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (16/4/2024)
Đoàn sinh viên Lào tại Trường CĐSP Quảng Trị tham quan Trung tâm IOC tỉnh (2/4/2024)
Triển khai thi công Cảng nước sâu Mỹ Thủy (25/3/2024)
Hội đàm cấp cao hai tỉnh Quảng Trị - Savannakhet (22/3/2024)
Thống nhất 8 nội dung tại Hội thảo "Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực (19/3/2024)
Tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị (22/1/2024)
Trao giải cho 12 sáng tác biểu trưng và khẩu hiệu du lịch tỉnh Quảng Trị (11/1/2024)
Dấu ấn công tác thông tin đối ngoại năm 2023 (19/3/2024)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ