Tiềm năng - Lợi thế

Tiềm năng và triển vọng nông nghiệp công nghệ cao tại Sa Mù, Hướng Phùng, Hướng Hóa


Ngày cập nhật: 04/03/2020 3:23:56 CH

                                                                             Trần Ngọc Lân

                                                                Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

Tỉnh Quảng Trị đang kỳ vọng xây dựng Đèo Sa Mù, thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa thành “tiểu Đà Lạt”, bởi điều kiện đất đai, khí hậu nơi đây được đánh giá rất phù hợp phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như các loại hoa cao cấp, các loại rau quả, các loại dược liệu quý hiếm và một số vật nuôi xứ lạnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị đã lập dự án đầu tư và triển khai xây dựng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và KH&CN Bắc Hướng Hóa trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng tiến bộ KH&CN (nay là Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN). Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng và KH&CN Bắc Hướng Hóa đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 với nhiều nội dung phong phú; Đây được xem là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Quảng Trị với nhiều nhà xưởng, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ cao.

 

Mô hình trồng hoa Lily tại Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa

 

Khu vực Đèo Sa Mù thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị có độ cao trên 1.000 m, quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình ban ngày 18-23 độ C, ban đêm 12-15 độ C, được ví là “tiểu Đà Lạt”. Đất đai (thổ nhưỡng) có độ phì phù hợp để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến sản phẩm chất lượng cao. Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa là nơi triển khai thực hiện các mô hình nghiên cứu, ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế; Xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học để nâng cao đời sống nhân dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh dọc tuyến biên giới.

Mô hình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo tại Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa

 

Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa được bố trí tại 2 địa điểm: Đèo Sa Mù và thôn Hướng Phú. Hai vị trí này có nhiều ưu điểm, có độ cao và điều kiện thời tiết, khí hậu khác biệt nhau rõ rệt. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tiến hành nghiên cứu, sản xuất được nhiều sản phẩm khác nhau và mang tính đặc thù riêng. Ngoài ra hai vị trí này được sự ưu đãi của thiên nhiên về các điều kiện tự nhiên, nông hóa, thổ nhưỡng và đường giao thông thuận lợi, gần hệ thống đường điện, nguồn nước suối tự chảy. Trong đợt đi khảo sát tại Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa vào tháng 4 năm 2017, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là một dự án quan trọng, vì thế, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án triển khai thực hiện đạt kết quả cao, trong đó, ưu tiên mở rộng diện tích đất với quy mô 20 ha để xây dựng Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa.

Năm 2016, để có cơ sở khoa học khẳng định sự phù hợp của các yếu tố tự nhiên đặc thù của Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa trong việc triển khai các mô hình KH&CN, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng hoa Lily thương phẩm tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Quảng Trị chủ trì thực hiện. Trong lần nghiên cứu thử nghiệm này, hoa Lily được trồng ở hai vị trí Sa Mù và trung tâm xã Hướng Phùng để đánh giá khả năng thích nghi, phát triển ở 2 nền nhiệt độ khác nhau. Kết quả bước đầu đã xác định giống Lily Sorbonne và Concador có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện ở cả 2 khu vực. Hoa Lily có thân chắc, khỏe, lá xanh, có màu sắc đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng và đặc biệt là mùi hương dễ chịu hơn hoa ở các nơi khác, cánh hoa dày, số hoa trung bình trên cây từ 5-7 hoa.

 

Mô hình hoa lan Hồ điệp tại Trạm nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa

 

Từ kết quả năm 2016, để tăng cường nguồn lực cho hoạt động của Trạm Nghiên cứu, Ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa, Sở KH&CN Quảng Trị đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Tiến bộ KH&CN xây dựng dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi “Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa Lan Hồ điệp, hoa Lily tại Quảng Trị”. Dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện từ tháng 9/2018-3/2021, địa điểm triển khai tại Trạm Nghiên cứu KH&CN Bắc Hướng Hóa.

Cuối năm 2018, sau khi hoàn thành bước đầu hệ thống nhà kính, bên cạnh tiếp tục đưa vào trồng, chăm sóc 10.000 cây hoa Lyly, Trung tâm đã đưa vào trồng thử nghiệm 7.000 cây hoa Tulip với 5 màu sắc, sau 40 ngày tất cả gốc cây đã cho hoa đúng vào dịp Tết Mậu Tuất 2018. Chất lượng hoa Tulip trồng ở Sa Mù tương đương với hoa của Đà Lạt và Hà Lan. Song có một lợi thế là trồng hoa Tulip ở Sa Mù giá đầu tư và chi phí chăm sóc, vận chuyển thấp nên giá bán ra rẻ hơn rất nhiều so với giá cùng loại hoa này nhập về từ các nơi khác. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án này, đầu năm 2019, Trung tâm tiếp nhận, đưa vào trồng và chăm sóc 13.000 cây hoa Lan Hồ Điệp với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đỏ, vàng, hồng. Mô hình Lan Hồ điệp được ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất theo hướng tự động hóa có giám sát, điều khiển từ xa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Lan Hồ Điệp được trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ hiện đại, khép kín với hệ thống cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; mái che, quạt tự động điều chỉnh khi có sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng truyền hình ảnh và các thông số về môi trường thông qua điện thoại thông minh giúp người vận hành ở bất cứ nơi đâu cũng có thể giám sát các thông số và tình hình phát triển của Lan Hồ Điệp, đồng thời có thể cài đặt được các thông số giới hạn cho hệ thống vận hành mà không cần ở vườn cây. Sau hơn 15 tháng, hiện hơn 15.000 cây Lan Hồ điệp đang sinh trưởng tốt, lá xanh, mập mạp, chiều dài từ 20-30cm, đã xử lí cho ra ngồng hoa, chăm sóc hoa đạt tiêu chuẩn để đưa ra phục vụ thị trường vào dịp tết Nguyên đán Canh tý. Với những kết quả ban đầu, có thể khẳng định Lan Hồ điệp khá phù hợp với điều kiện môi trường tại Sa Mù.

Ngoài hoa LyLi, Tulip, Lan Hồ điệp, Sa Mù còn là địa điểm lý tưởng trồng thử nghiệm thành công nhiều loại giống cây khác như cây dâu tây, cà chua siêu ngọt, dược liệu quý đông trùng hạ thảo cùng nhiều loài dược liệu quý hiếm.

Kiểm tra thực tế mô hình Sa Mù vào tháng 4 năm 2019, đồng chí Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao những thành công từ các mô hình trồng hoa thương phẩm công nghệ cao, đặc biệt là triển khai thành công hoa Lily, Lan Hồ Điệp và nhận định tiềm năng đất đai, khí hậu ở khu vực Đèo Sa Mù rất phù hợp phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Việc trồng thành công các giống cây, hoa, dược liệu tại vùng tiểu khí hậu ôn đới Sa Mù sẽ giúp địa phương biến nơi đây thành "tiểu Đà Lạt" ở miền Trung để hình thành vùng trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa Lily và Lan Hồ Điệp tại Sa Mù cũng đã nhận được sự đánh giá cao từ Đoàn công tác của Bộ KH&CN nhân chuyến thăm và kiểm tra mô hình.

 

Hoa Tulip được trồng tại Trạm nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa

 

 Có thể nói việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng, chăm sóc hoa Lily, Tulip, Lan Hồ Điệp và các loại dược liệu quý tại Sa Mù, Hướng Phùng, Hướng Hóa bước đầu đã mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, triển vọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại đây. Mặc dù đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng là tín hiệu vui để tỉnh Quảng Trị có những bước đi phù hợp, tiệm cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần, cũng là cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu vực được xem là rất lý tưởng này. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy hiệu quả khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao và phối hợp với các nhà đầu tư chuyển giao quy trình trồng các sản phẩm mà Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu thành công./.

 

 Liên hệ - Góp ý  Quay lại!

Bình luận của bạn:

Bình luận bạn đọc (0)

CÁC TIN KHÁC
Khảo sát xây dựng mô hình homestay tại thôn Chênh Vênh (28/6/2021)
Công ty Oxalis đề xuất dự án phát triển du lịch tại thác Tà Puồng và ven biển Vịnh Mốc (4/6/2021)
Đảo xanh cồn cỏ (28/5/2021)
Tạo thế và lực mới để thành phố Đông Hà phát triển nhanh, bền vững (1/2/2021)
Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Trị (1/2/2021)
Thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển (13/8/2020)
Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 2: Phát huy thế mạnh kinh tế để vươn ra “biển lớn” (7/7/2020)
Khởi sắc từ Khe Sanh về Cửa Việt. Bài 1: Những đô thị trẻ trên đường xuyên Á (7/7/2020)
Triển vọng từ giống lúa hữu cơ thảo dược tím (26/5/2020)
Copyright 2024 by CỔNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH QUẢNG TRỊ