1. Đặc điểm tự nhiên
Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng duyên hải Bắc miền Trung, có tọa độ địa lý 17010’ đến 16018’ vĩ độ Bắc, 106032’ đến 107024’ kinh độ Đông, cách Thủ đô Hà Nội 598km; phía Nam giáp huyện Phong Điền và A Lưới tỉnh Thừa Thiên- Huế; phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; phía Tây giáp 2 tỉnh Savanakhet và Salavan nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, với đường biên giới chung 208 km; phía Đông giáp biển Đông, với bờ biển 75km, có đảo Cồn Cỏ rộng 4km2, án ngữ phía biển Đông, cách bờ biển gần 30km. Trên một địa hình non sông kỳ thú, Quảng Trị tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và mặt hướng ra biển Đông bao la; Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 4.745,5km2, chiếm 1,44% tổng diện tích của cả nước.
Địa hình tỉnh Quảng Trị phân bố đa dạng và có sự đan xen giữa các vùng: Rừng núi, gò đồi, đồng bằng, cồn cát ven biển và hải đảo. Do địa hình Quảng Trị độ ngăn cách hẹp, rừng núi chiếm 80% diện tích đất tự nhiên, nên các con sông đều ngắn, độ dốc cao, mật độ sông suối xếp vào loại dày đặc so với cả nước; 12 con sông lớn tập trung thành 3 hệ thống chính là: Sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, với trên 60 phụ lưu khác, tạo lợi thế để phát triển giao thông đường thủy trong vùng và xây dựng nhà máy thủy điện.
Trong lòng đất Quảng Trị, thiên nhiên ưu đãi ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với những khoáng sản có giá trị như: Đá vôi, titan, đất sét, sắt, vàng, Pyrit, Angtimoan, cát thạch anh, than bùn…Đặc biệt, dưới lòng đất vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa có trữ lượng lớn dầu khí, đây là nguồn tài nguyên có giá trị cho việc phát triển công nghiệp cùng các loại tài nguyên rừng quý hiếm.
Tài nguyên biển của Quảng Trị khá phong phú. Theo những khảo sát gần đây thì thực vật vùng biển ven bờ Quảng Trị thuộc vào loại giàu dinh dưỡng. Có nhiều loài cá nổi tiếng như: Trích, nục, ngừ, bạc má, trát, mòi, phèn…; các loại hải sản như: Tôm hùm, mực ống, mực nang… Hàng nghìn ha mặt nước ven bờ, thuận lợi cho nuôi trồng thủy, hải sản.
Mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và chịu ảnh hưởng lớn của biển Đông, khí hậu Quảng Trị có đặc trưng nắng lắm, mưa nhiều, nền nhiệt độ cao, tổng lượng mưa hàng năm lớn so với cả nước. Mùa nắng ở Quảng Trị khá gay gắt và đi liền với khô nắng là gió phơn Tây Nam, dân gian quen gọi là “gió Lào”, mùa mưa gió rét kéo dài, bão lũ diễn biến bất thường. Sự phức tạp của địa hình kết hợp với sự khắc nghiệt của khí hậu đã gây cho Quảng Trị các thiên tai như bão lũ, mưa dầm, rét hại, hạn hán, sụt lỡ đất, cát bay…Vì vậy, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để bảo vệ cuộc sống là yêu cầu đặt ra thường xuyên đối với người dân Quảng trị.
Các đường giao thông chính trên địa bàn như đường quốc lộ 1A dài 75km, đường sắt Bắc – Nam dài 75km, đường Quốc lộ 9 (Đông Hà – Lao Bảo) dài 85km, đường 14A, 14B (đường Hồ Chí Minh) dài gần 150km chạy xuyên dọc miền núi Quảng Trị, cùng với các hệ thống đường tỉnh lộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương với các vùng, miền trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Trong quá trình hội nhập để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, Quảng Trị có lợi thế nằm ở vị trí đầu cầu “ xuyên Á” trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây về phía Việt Nam, nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar…qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo về Đông Hà.
2. Đặc điểm xã hội.
Tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chinh trực thuộc. Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ, 1 thị xã và 8 huyện (trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ) với 141 xã, phường, thị trấn; Dân số tỉnh Quảng Trị là 597.985 người ( theo kết quả điều tra ngày 01/4/2009); có 3 dân tộc chính là dân tộc Kinh, dân tộc Vân Kiều, dân tộc Pa Cô, trong đó, người Kinh chiếm trên 90% dân số.
Quảng Trị đóng vai trò quan trọng và có một vị trí chiến lược trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với ý nghĩa đó, Dư địa chí Nguyễn Trãi đã ghi “Xưa là bộ Việt Thường Thị, đây là phiên dậu thứ tư về phương Nam”. Trong lịch sử, vùng đất này đã từng chịu nhiều biến động, xáo trộn, cắt chia. Nguyên là một phần trong bộ Việt Thường của nước Văn Lang – Âu Lạc, đến thời kỳ Hán thuộc, Quảng Trị là một phần của quận Nhật Nam ( từ năm 179 trước Công Nguyên); tiếp đó là một phần của Vương quốc Chăm – Pa (gồm châu Ô và một phần châu Ma Linh). Đến năm 1069, với võ công của nhà Lý, từ Bắc cầu Đông Hà được trả về Đại Việt, nhưng phải đến tháng 6/1306, thì cả tỉnh Quảng Trị mới trở về với Việt Nam. Đến thế kỷ XV, Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt chống quân xâm lược nhà Minh. Các thế kỷ kế tiếp, Quảng Trị lại là vùng tranh chấp ác liệt giữa các tập đoàn thống trị: Lê - Mạc, Trịnh - Mạc, Nguyễn - Mạc và Trịnh - Nguyễn phân tranh.
Sau ngót 100 năm bền bỉ đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta đã giành thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, theo đó lấy Vĩ tuyến 17, và sông Bến Hải của Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời. Song, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm trắng trợn xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ, hòng chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam chúng ta. Với vị trí trọng yếu về địa chính trị, địa quân sự, địa bàn Quảng Trị lại một lần nữa trở thành đầu cầu giới tuyến, nơi đụng đầu quyết liệt giữa 2 thế lực cách mạng và phản cách mạng, giữa CNXH và chủ nghĩa đế quốc tàn bạo; nơi tập trung binh lực mạnh nhất của cả 2 bên. Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại biết bao đau thương, mất mát cho nhân dân Quảng Trị. Con sông Bến Hải hiền hòa – phân giới quân sự tạm thời đã trở thành nổi đau chia cắt, là khát vọng thống nhất non sông của 2 miền Nam - Bắc ròng rã suốt 21 năm máu lửa.
Nằm ở địa đầu của hai miền Nam - Bắc, Quảng Trị được lịch sử 3 lần chọn làm thủ phủ: Đó là Dinh cát (vùng Ái Tử và Trà Bát), nơi chọn đóng đô của các chúa Nguyễn trước khi vào trấn thủ Thuận Hóa suốt 68 năm (1558 – 1626), sau đó trở thành Cựu Dinh (là 1 trong 12 dinh của cả nước) – trung tâm chính trị, hành chính suốt trong các thế kỷ từ XVII – XVIII.
Đó là Thành Tân Sở - kinh đô kháng chiến (ở thôn Mai Đàn, Cam Lộ). Nơi đây, ngày 3/7/1885, Vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân cả nước đứng dậy giúp vua đánh thực dân Pháp. Chiếu Cần Vương từ Tân Sở như một bài ca ra trận, như một ngọn đuốc trong đêm. Đó là bước khởi đầu, là sự vùng lên nổi dậy của anh hùng hào kiệt bốn phương với mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại tự do thanh bình cho quê hương, đất nước.
Đó là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại thị trấn Cam Lộ. Sau ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27/1/1973), Quảng Trị với vùng giải phóng rộng lớn, hoàn chỉnh nhất của toàn miền Nam, trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội. Vì vậy, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được chọn đặt tại thị trấn Cam Lộ. Là thủ đô tạm thời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tham gia tích cực vào sự giao lưu quốc tế giữa miền Nam Việt Nam cách mạng với bè bạn thế giới, góp phần xứng đáng trong việc nâng cao vị thế quốc tế của Cách mạng Việt Nam vào một thời điểm rất quan trọng của quá trình hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Gắn liền với lịch sử của dân tộc, mãnh đất được coi là trọng trấn, là trấn biên phía Nam của Tổ quốc, là tiêu điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống xâm lăng, con người Quảng Trị đã biết đứng lên cầm súng, cầm gươm chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc và đồng thời đương đầu với sóng lớn, bão giông, gồng mình chống úng khi lũ về, chống hạn khi hè tới để xây dựng quê hương.
Từ bao đời nay thiên nhiên khắc nghiệt cùng với những cuộc chiến tranh ác liệt diễn ra trên quê hương đã hun đúc cho con người Quảng Trị những phẩm chất đặc thù đáng quý: kiên cường, bất khuất, dũng cảm, thông minh trong các cuộc chiến tranh vì nghĩa lớn; cần cù, tự lực, tự cường, sáng tạo trong sản xuất và xây dựng cuộc sống; tâm hồn trong sáng, bình dị, khí khái, bộc trực thẳng thắn và hết mực thủy chung son sắt. Truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó đã hình thành cho người Quảng Trị một bản lĩnh không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ để vượt lên thiên tai, địch họa. Quá trình tồn tại và phát triển của Quảng Trị là quá trình con người tự chinh phục, đấu tranh, sáng tạo để khẳng định mình. Ý thức tin tưởng vào ngày mai “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” đã trở thành nền tảng sức mạnh cho người Quảng trị vượt lên tất cả và chiến thắng. Trải qua bao thế hệ, mảnh đất Quảng Trị đầy gian truân đã sinh thành, nuôi dưỡng nhiều nhân sĩ tài đức, yêu nước và giàu dũng khí cách mạng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
Quảng Trị là quê hương của nhiều đại khoa và danh nhân nổi tiếng. Từ đầu thập kỷ XVI trở đi, nhất là trong giai đoạn triều Nguyễn. Trong đó tiêu biểu là tiến sĩ: Bùi Dục Tài, thi đỗ năm 1502 (thời Vua Lê Hiển Tông) và hàng chục vị tiến sĩ, phó bảng kế tiếp, mang danh thơm cho các thế hệ người Quảng Trị.
Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, các thế hệ người dân Quảng Trị đã phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của quê hương, làm nên những chiến công chói lọi. Biết bao người con Quảng Trị ưu tú đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, tô thắm thêm những trang sử hào hùng của quê hương. Trong số đó tiêu biểu là đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Ba Duẩn – “Ngọn đèn 200 nến” mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt nam và của quê hương Quảng Trị.
Văn hóa Quảng Trị mang đậm bản sắc dân tộc và có dấu ấn riêng của mảnh đất miền Trung “gió Lào – cát trắng” gian truân mà đậm chất sử thi. Đó là những lễ hội dân gian truyền thống như Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết cơm mới, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Rước kiệu Đức Mẹ La Vang, Lễ Vu Lan, Lễ hội Tổ đình Sắc Tứ, lễ hội Chợ đình Bích La… và các lễ hội cách mạng lịch sử cũng đang được hình thành, phát triển thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” như: “Thả hoa trên sông Thạch Hãn”, “Đêm Thành Cổ”; “Huyền thoại cõi Trường sơn”; lễ hội “Thống nhất non sông”; là điểm đầu tiên của con người xuyên Á về phía Việt Nam, Quảng Trị định kỳ tổ chức lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” 3 năm 1 lần, được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các đoàn nghệ thuật trong nước và các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Thái lan, Myanmar…, góp phần mở cửa hội nhập, giao lưu giữa các nền văn hóa, thắm đượm tình hữu nghị giữa các dân tộc, qua đó quảng bá các sản phẩm du lịch với du khách trong và ngoài nước đến với Quảng trị.
Ngoài các lễ hội trên, ở Quảng Trị còn có các trò chơi dân gian thường diễn ra trong Tết Nguyên Đán như: Chạy cù, đánh đu, đánh bài chòi, đua ghe, hát bội… có sức lôi cuốn đông đảo nhân dân cùng tham gia.
Các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đã được bảo tồn như: Tuồng Chợ Cạn, hò Như Lệ, hát trống quân Triệu Cao, chuyện trạng Vĩnh Hoàng… Các di sản văn hóa của hai tộc người Pa Cô, Vân Kiều ở Quảng Trị và nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề cũng đang được tích cực khôi phục, lưu truyền.
Quảng Trị, có các cảnh quan, di tích, danh thắng tự nhiên và nhân văn được phân bố rộng khắp trong các địa bàn trong tỉnh. Đó là Cửa Tùng, nơi được mệnh danh “Nữ hoàng của các bãi tắm”, Khu danh thắng Đakrông với những nét kỳ vĩ của thiên nhiên và ẩn chứa bao huyền thoại; là suối nước nóng Tân Lâm, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, trằm Trà Lộc, thác Ồ Ồ… cùng với những địa danh tâm linh nổi tiếng của cả nước như: Nhà thờ La Vang (Hải Lăng), chùa Sắc Tứ (Triệu Phong)… thu hút đông khách thập phương tìm về qua các kỳ lễ hội.
Không chỉ vậy, trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, lịch sử đã để lại trên mãnh đất Quảng Trị một hệ thống di tích lịch sử cách mạng có giá trị tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Qua thống kê toàn tỉnh có 441 di tích lịch sử cách mạng, 33 di tích được xếp hạng cấp quốc gia có giá trị đối với hoạt động du lịch, thu hút được du khách khi tìm hiểu về chiến tranh cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh giải phóng tổ quốc. Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng, Quảng Trị là một trong những chiến trường khóc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Hơn 20 năm là tuyến lửa, ở nơi đây đã xuất hiện hàng loạt kỳ tích oai hùng cùng nhiều địa danh lừng lẫy chiến công, biểu tượng cho chí khí quật cường, quả cảm và niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc. Những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông như Khe Sanh, Đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Thành Cổ, Làng Vây, Ái Tử, Cồn Cỏ, Vịnh Mốc, Gio An, Mỹ Thủy, Phường Sắn, Sông Hiếu, Ba Lòng… đi vào lịch sử kháng chiến cứu nước của dân tộc với những chiến công hiển hách làm nứt lòng đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Các điểm du lịch đến các di tích lịch sử cách mạng như quần thể di tích đường Trường Sơn, tuyến du lịch vùng phi quân sự DMZ (Demilitarized Zone), nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, đồn Không Tên, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị, khu di tích đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn… tạo nên sự đa dạng, phong phú và đồ sộ mang tính chất đặc thù, độc đáo trong toàn bộ di sản văn hóa trên vùng đất Quảng Trị.
Trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Quảng Trị thì di sản văn hóa chiến tranh cách mạng là rất lớn, hoàn toàn xứng đáng đứng vào vị trí địa danh nổi tiếng hàng đầu đất nước. Chính vì điều đó Quảng Trị trở thành một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, với sự kết hợp giữa du lịch tham quan với du lịch hồi tưởng, du lịch tâm linh, tạo thế đặc trưng để ngành Du lịch Quảng Trị đầu tư khai thác, phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những giá trị lịch sử truyền thống quý báu của quê hương đã và đang làm động lực tinh thần to lớn cổ vũ nhân dân Quảng Trị trong chặng đường xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Nguồn: (sites.google.com)